Thủ tướng: Lắng nghe ‘khối óc, tiếng lòng’ công nhân

Thứ Hai, ngày 6/5/2019 - 06:35

(PL)- Đây là năm thứ tư liên tiếp người đứng đầu Chính phủ có cuộc đối thoại với công nhân để lắng nghe và chia sẻ những mong muốn của đội ngũ công nhân lao động trong quá trình hội nhập và phát triển.

“Công nhân (CN) nói nhiều, phát biểu nhiều, để Chính phủ, các bộ, ngành lắng nghe, thấu hiểu và có những hoạch định chính sách phù hợp với thực tiễn hơn”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong mỏi tại buổi gặp mặt với gần 1.000 CN, lao động, trong đó có 90 CN, lao động kỹ thuật cao ở bảy tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm và nhiều công đoàn ngành trong cả nước vào sáng 5-5 tại TP.HCM.

“Cần để CN bậc cao đi học ngoại ngữ…”

Sau phần phát biểu của Thủ tướng, đại diện cho 90 CN kỹ thuật cao tại buổi gặp gỡ, CN Nguyễn Xuân Quang, Xí nghiệp vật lý giếng khoan - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đề xuất: “Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo đổi mới nội dung và phương thức đào tạo CN lao động kỹ thuật cao cũng như công tác đào tạo nghề, gắn với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp (DN) và đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường lao động”.

Không chỉ vậy, trong quá trình làm việc, CN kỹ thuật rất cần được cập nhật và bồi dưỡng thường xuyên những kỹ năng về chuyên môn, ngoại ngữ để làm chủ công nghệ mới. “Chúng tôi rất muốn học ngoại ngữ, bồi dưỡng tay nghề nhưng để đảm bảo thời gian làm việc và đồng lương còn thấp nên anh em CN không đủ điều kiện để học” - anh Quang bày tỏ lo ngại.

Trước thực trạng này, anh Quang mong muốn các DN nên tạo động lực cho các CN học tập, nâng cao tay nghề bằng việc bố trí thời gian học tập nằm trong quỹ thời gian lao động, sản xuất.

Mặt khác, anh cũng cho rằng sẽ rất phí cho DN khi các CN kỹ thuật cao sau 30 tuổi rút về làm quản lý, hành chính văn phòng. Vì đây là thời điểm các CN có đầy đủ kinh nghiệm và tay nghề để gia tăng năng suất và sáng tạo trong công việc. Anh Quang dẫn chứng ngay tại nơi anh làm việc, tiền thuê chuyên gia nước ngoài rất cao trong khi khả năng của CN, lao động kỹ thuật cao lâu năm trong nước nếu được đào tạo nâng cao thì đáp ứng được. Vì CN là người cọ xát với máy móc, công nghệ hằng ngày nhưng do chưa qua đào tạo, chưa có bằng cấp nên các CN chưa được đặt vào vị trí chuyên gia.

Đồng quan điểm, anh Phan Quang Liền, Công ty Cổ phần Dệt may 23/9, đề xuất thêm: Để CN lao động kỹ thuật cao phát huy được hết khả năng của mình, giống như một cách khởi nghiệp, Chính phủ hãy đặt hàng với DN, với lao động kỹ thuật cao trong nghiên cứu khoa học, trong sản xuất máy móc, thiết bị công nghệ cao phù hợp với mục tiêu phát triển của DN và nhu cầu của xã hội.

Thủ tướng: Lắng nghe ‘khối óc, tiếng lòng’ công nhân - ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt tay công nhân tại buổi gặp gỡ. Ảnh: QUANG LIÊM

34 bộ giáo trình quốc tế để đào tạo người lao động bậc cao

Trước các kiến nghị được nêu lên trong buổi gặp mặt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định đào tạo có vai trò quyết định để xây dựng lực lượng lao động có trình độ cao và yêu cầu các bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Bộ GD&ĐT và giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM trình bày giải pháp khắc phục các khuyết điểm vừa nêu.

Trước yêu cầu của Thủ tướng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Bộ LĐ-TB&XH, trả lời việc thay đổi tình trạng “nặng lý thuyết, nhẹ thực hành” là vấn đề lớn mà Bộ LĐ-TB&XH và các bộ, ngành liên quan đã và đang tập trung thay đổi.

Hiện Bộ LĐ-TB&XH đã nhập 34 bộ giáo trình quốc tế để đào tạo các môn học phù hợp với yêu cầu quốc tế, học viên sẽ được công nhận để làm việc trong nước và quốc tế. Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục phối hợp với chín quốc gia để liên thông công nhận bằng cấp của nhau. “Việc này nhằm xây dựng lực lượng lao động cạnh tranh với lao động quốc tế, đồng thời khắc phục tình trạng các trường “có gì đào tạo đó” hoặc “tiện đâu đào tạo đó” mà không gắn với thực tế” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

Tiếp lời, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết Bộ đã chỉ đạo, cho phép tạo môi trường sinh thái gắn kết giữa nhà trường và DN, theo đó DN tham gia trực tiếp vào việc đào tạo, các kỹ sư có kinh nghiệm có thể tham gia đào tạo. Bộ GD&ĐT cũng cho phép các trường chủ động đào tạo các mã ngành mà các nước tiên tiến đã có để cập nhật trình độ quốc tế.

Đồng tình với phản ánh của các CN, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM Huỳnh Thành Đạt nhìn nhận: “DN cần thì mới tìm đến nhà trường để tìm kiếm nguồn nhân lực. Các giảng viên, nhà nghiên cứu thì cũng lúng túng khi chuyển giao các công trình nghiên cứu để áp dụng vào thực tiễn. Vì vậy, cần có sự vào cuộc của Chính phủ để thực hiện theo tam giác liên kết đó là Nhà nước - nhà trường - DN trong việc đào tạo nhân lực chất lượng cao đáp ứng tốt nhu cầu xã hội”.

Công nhân kỹ thuật cao là tài sản, vốn quý quốc gia

Việt Nam không thể đi theo con đường lao động giá rẻ, đầu tư vốn lớn mà phải tập trung vào đổi mới, sáng tạo. Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển đội ngũ CN có tay nghề cao, tận dụng lợi thế dân số vàng để Việt Nam trở thành điểm đến của các nhà đầu tư trong khu vực và trên thế giới.

Cùng đó, Chính phủ sẽ quyết liệt chỉ đạo các ngành, địa phương, chủ DN quan tâm bốn vấn đề liên quan đến đời sống thiết yếu của CN lao động. Đó là tiền lương và thu nhập; đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu; nhà ở xã hội; môi trường làm việc, học tập cho CN lao động và chỗ học tập, vui chơi cho CN, con cái của CN.

Thủ tướngNGUYỄN XUÂN PHÚC

 

TRÚC PHƯƠNG



Tin tức liên quan

  • Cổ phần hoá, thoái vốn ì ạch vì doanh nghiệp Việt "không thạo tiếng Anh"!?
  • Thứ tư, 13/06/2018 - 01:00
  • Ông Vương Tuấn Dương, Phó Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital kể lại câu chuyện cách đây mấy năm có một công ty nước ngoài rất thích mua cổ phần của một DNNN đang cổ phần hoá (CPH) nhưng vì DN này không có bản cáo bạch bằng tiếng Anh nên nhà đầu tư này đã không thể tiếp cận.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn