Thuế tài sản: Nên đánh luỹ tiến, chỉ miễn thuế cho người tàn tật và trẻ mồ côi?

Thứ tư, 20/06/2018 - 06:00

Liên quan tới đề xuất đánh thuế tài sản, TS Phạm Sỹ Liêm cho rằng, mức thuế nên tính lũy tiến trong khoảng từ 0,1% đến 0,5% cho tất cả mọi loại nhà ở, chỉ xét miễn thuế cho các chủ sở hữu tàn tật hoặc là trẻ mồ côi.

(Ảnh minh hoạ).

(Ảnh minh hoạ).

Bình luận về thuế tài sản, tại một hội thảo diễn ra mới đây, TS Phạm Sỹ Liêm - Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, tại nhiều nước, thuế tài sản là loại “thuế đánh vào giá trị” của tài sản nhà đất, tạo lập nguồn thu ổn định cho ngân sách địa phương. Mức thuế hàng năm không lớn, chỉ vào khoảng mấy phần nghìn giá trị nhà đất, vì vậy còn gọi là “thuế phần nghìn”.

Theo TS Phạm Sỹ Liêm, ý nghĩa của thuế tài sản là người nộp thuế phải chi trả cho việc bảo vệ quyền sở hữu tài sản và cho hoạt động quản lý vận hành hệ thống hạ tầng và nhiều dịch vụ công cộng không thu phí như hè đường, cây xanh, chiếu sáng công cộng... đã góp phần tạo ra giá trị tài sản nhà đất.

Bên cạnh đó, thuế tài sản còn là công cụ để Nhà nước đảm bảo công bằng xã hội, thông qua điều tiết thu nhập của tầng lớp có nhiều tài sản nhằm giúp đỡ người nghèo không có nhà và các khu nghèo thiếu thốn hạ tầng. Thuế tài sản được áp dụng tại nhiều nước

TS Phạm Sỹ Liêm cho hay, Việt Nam đã có Pháp lệnh thuế nhà đất từ năm 1992, sửa đổi bổ sung năm 1994, nhưng trong thực tế mới thu thuế đất, chưa thu thuế nhà. Năm 2010, chính phủ trình Quốc hội Dự thảo Luật thuế nhà đất, nhưng thay vào đó Quốc hội chỉ thông qua Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, với thuế suất chỉ 0,03% giá m2 đất tùy theo mục đích sử dụng, nếu diện tích đất vượt hạn mức do cấp tỉnh quy định thì thuế suất tăng lên, nhưng tối đa cũng mới là 0,15%.

"Thật đáng tiếc, trong bối cảnh ngân sách Nhà nước hiện đang thiếu hụt nghiêm trọng mà nước ta lại bỏ qua nguồn thu thuế khá lớn như vậy", ông Liêm nhìn nhận.

Tháng 4 vừa qua, Bộ Tài chính công bố dự thảo Luật thuế tàì sản mới nhưng gặp phải một số phản ứng trái chiều trong dư luận, như thuế chồng thuế, mức thuế 0,4% đánh vào phần giá nhà ở vượt quá 700 triệu đồng khiến người nghèo khó sở hữu nhà ở, chỉ nên đánh thuế căn nhà thứ hai.

Tuy nhiên, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, thực ra xem xét tình trạng thuế chồng thuế là phải dựa vào mục đích thu thuế có trùng lặp với thuế nào khác hay không chứ không phải vì có nhiều sắc thuế. Theo đó, ông cho rằng, với mục đích thu thuế tài sản như nói trên thì không có sự trùng lặp nào, và ngay đối với căn nhà đầu tiên của chủ sở hữu là đã phải thu rồi.

"Còn mức thuế 0,4% thì quả là hơi cao đối với người thu nhập trung bình thấp, còn người thu nhập thấp theo định nghĩa phải là người không đủ năng lực tài chính để sở hữu nhà. Vì vậy mức thuế nên tính lũy tiến trong khoảng từ 0,1% đến 0,5% cho tất cả mọi loại nhà ở, chỉ xét miễn thuế cho các chủ sở hữu tàn tật hoặc là trẻ mồ côi", ông đề xuất.

Ông Liêm cũng bày tỏ mong muốn Bộ Tài chính xem xét bổ sung hoàn thiện dự thảo Luật thuế tài sản để sớm trình ra Quốc hội, đồng thời có kế hoạch giải thích thấu đáo để toàn dân hiểu rõ ý nghĩa và mục đích của sắc thuế này.

Liên quan tới đề xuất đánh thuế tài sản, mới đây, tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá nếu thực hiện chính sách thuế này, Việt Nam còn nhiều dư địa khi hiện nay thuế tài sản chỉ chiếm 0,04% GDP, trong khi ở các nước có nền kinh tế chuyển đổi tỷ lệ này là 0,5% và ở các nước đang phát triển là 2%.

Căn cứ vào dự thảo chính sách thuế tài sản mà Bộ Tài chính mới công bố gần đây, WB cho biết có khoảng 1,8 triệu hộ gia đình (7,2% số hộ) sẽ chịu tác động của thuế này và đánh giá thuế nhà ở tác động rất nhỏ tới hộ nghèo (khoảng 23.000 hộ) và đóng góp khoảng gần 3.000 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, tỷ lệ số thuế nhà phải nộp so với thu nhập của hộ nghèo (0,83%) lại cao hơn tỷ lệ này của hộ gia đình giàu có (0,58%). Do vậy, phía WB cho biết số thu từ chính sách này ở Việt Nam sẽ không lớn, trong khi chi phí quản lý thuế là không nhỏ (chiếm từ 10- 20% số thu). Để thực hiện, WB cho rằng Việt Nam cần tiếp tục gia cố chính sách thuế theo từng giai đoạn, xem xét cách tính thuế theo giá trị tuyệt đối hoặc theo tỷ lệ giá trị tài sản,...

Phương Dung



Tin tức liên quan


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn