Tình người, sức đề kháng thắng dịch bệnh

12/02/2022 09:48

Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Lê Xuân Trung chia sẻ chính tình người làm cho mỗi chúng ta có thêm sức đề kháng trong những ngày dịch căng thẳng vừa đi qua.

Tình người, sức đề kháng thắng dịch bệnh - Ảnh 1.

Các tác giả thuộc nhóm tin, ảnh báo chí nhận giải cuộc thi viết “Tình người nơi tuyến đầu phòng chống dịch COVID-19” - Ảnh: DUYÊN PHAN

Tình người không chỉ là chủ đề của cuộc thi viết "Tình người nơi tuyến đầu phòng chống dịch COVID-19" vừa được TP.HCM tổng kết và trao giải hôm 11-2, mà còn là điều được nhiều người nhắc cùng nhau rất nhiều sau những ngày khó khăn "chưa từng có của TP.HCM" vì đợt dịch COVID-19 thứ tư vừa qua.

Cuộc thi đã góp phần lan tỏa, cổ vũ tinh thần tương thân tương ái của người dân thành phố, chia sẻ thông tin về việc kiểm soát tình hình dịch bệnh, từng bước đưa cuộc sống, đưa thành phố trở lại trạng thái bình thường mới.

Ông NGUYỄN HỒ HẢI (phó bí thư Thành ủy TP.HCM)

Tình người tỏa sáng

Từ góc độ đơn vị trực tiếp thực hiện cuộc thi này, ông Lê Xuân Trung - đại diện báo Tuổi Trẻ - bày tỏ lòng cảm ơn với những ai đã tích cực tham gia cuộc thi. Gần 4.500 bài viết được các tác giả thuộc nhiều thành phần khác nhau gửi đến cuộc thi có thể nói là một thành công dù cuộc thi chỉ nhận bài trong hơn ba tháng, lại giữa những ngày TP.HCM căng thẳng chống chọi với đợt dịch COVID-19 thứ tư.

Ông Lê Xuân Trung nói chúng ta đã thấy các bến xe, nhà ga, sân bay đông đúc trở lại trong dịp Tết vừa rồi, phố xá đã nhộn nhịp trở lại, nhiều quán cà phê đã mở bài Mùa xuân đầu tiên của nhạc sĩ Văn Cao cho khách lắng lòng lại cùng những câu hát "Từ đây người biết thương người, từ đây người biết yêu người"...

"Tình người đã nảy nở và lan tỏa trên các trang báo của Tuổi Trẻ cũng như những trang báo khác, làm cho cuộc sống vừa trải qua dịch bệnh nhưng thấy lạc quan hơn. Chúng ta vừa đón Tết Nhâm Dần thoải mái hơn, không còn cảnh lo lắng cách ly" - ông Trung chia sẻ.

Phó trưởng Ban thường trực Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thị Bạch Mai - đại diện ban tổ chức cuộc thi - đánh giá mỗi bài viết gửi về cuộc thi với câu chuyện về người thật, việc thật đã như giải pháp lan tỏa "tình người", tạo hiệu ứng tốt từ những cảm xúc chân thật và sự chia sẻ của các tầng lớp nhân dân thành phố. Đó chính là những việc làm, hành động, nghĩa cử cao đẹp chia sẻ của tập thể, tổ chức, cá nhân tích cực tham gia phòng chống và vượt qua đại dịch COVID-19.

Chúng ta khó mà quên được hình ảnh các bạn học sinh mổ heo đất tiết kiệm để ủng hộ quỹ mua vắc xin. Càng không thể không nhắc hình ảnh mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Quýt thầm lặng may từng chiếc khẩu trang gửi tặng người dân cùng chung tay chống dịch, hay hình ảnh bảo mẫu và bác sĩ cùng chăm sóc trẻ sơ sinh có mẹ nhiễm bệnh...

"Các bài viết đã khắc họa những tấm gương hy sinh, xả thân cống hiến của lực lượng tuyến đầu chống dịch, đồng thời cổ vũ tinh thần đoàn kết, thể hiện truyền thống tương thân tương ái, đặc biệt trong giai đoạn toàn dân đồng lòng, đoàn kết phòng chống dịch bệnh" - bà Bạch Mai nhận định.

Cho đi yêu thương

Nếu nhìn từ góc độ lòng dân, có thể nói cuộc thi đã hoàn thành sứ mệnh kết nối ấy khi tác giả đoạt giải có đủ thành phần, từ các bạn trẻ đến nhân sĩ, trí thức, lực lượng vũ trang, lão thành cách mạng, cựu chiến binh, cán bộ, đảng viên, chức sắc tôn giáo... đang sinh sống, làm việc tại TP.HCM.

Câu chuyện chia sẻ những giọt sữa quý báu của bác sĩ Phạm Thị Thanh Thúy (Bệnh viện Trưng Vương) cho bệnh nhi 7 tháng tuổi phải cách ly với mẹ đang nhiễm COVID-19 được tác giả Chu Thị Lê Hương (Sở Y tế TP.HCM) kể lại đã gây xúc động mạnh với người đọc. Bài viết ấy cũng đã thuyết phục hội đồng chung khảo đồng thuận trao giải cao nhất cuộc thi dành cho bài viết ở bảng thi của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân thành phố.

Điều mà sau đó nhiều người mới được biết chính là nữ bác sĩ ấy đã để lại đứa con chưa tròn 10 tháng tuổi của mình cho chồng chăm sóc để bước vào cuộc chiến chống dịch đầy căng thẳng cùng lực lượng tuyến đầu. Và nghĩa cử nuôi bệnh nhi bằng sữa mẹ dường như đã xóa nhòa ranh giới bác sĩ - bệnh nhân, làm cho người khác dường như chỉ còn thấy hình ảnh người mẹ chăm sóc đứa con bé bỏng của mình.

Cạnh đó, 62 tác phẩm báo chí được trao giải trong số 166 tác phẩm do 23 cơ quan báo chí của TP.HCM, trung ương và địa phương đóng trên địa bàn thành phố gửi về đã cung cấp bức tranh toàn cảnh về tình hình cũng như cuộc chiến phòng chống dịch của chính quyền, nhân dân TP.HCM. Ban tổ chức nhận định các tác phẩm được đầu tư kỹ lưỡng, ghi dấu ấn sự dấn thân của các phóng viên, biên tập viên và tập thể cơ quan báo chí.

Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải nói từng bức ảnh, những thước phim, mỗi bài viết được tác nghiệp từ tâm dịch... chính là sự dấn thân, không ngại nguy hiểm của các tác giả, khắc họa rõ sự hy sinh, cống hiến cao cả của lực lượng tuyến đầu cũng như sự sẻ chia của các tầng lớp nhân dân trong "những ngày khó khăn chưa từng có của thành phố".

Sứ mệnh nhà báo công dân

"Tình người nơi tuyến đầu phòng chống dịch COVID-19" do Ban Dân vận và Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức, báo Tuổi Trẻ thực hiện, diễn ra từ tháng 7 đến tháng 10-2021, viết về mô hình, giải pháp hay, câu chuyện người thật, việc thật về công tác phòng chống dịch COVID-19 tại TP.HCM vừa qua.

Untitled 1

Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải trao bằng khen cho các cá nhân đoạt giải cuộc thi viết “Tình người nơi tuyến đầu phòng chống dịch COVID-19” - Ảnh: DUYÊN PHAN

Từ cuộc thi này, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải nói các cơ quan báo chí, người làm báo cần có nhiều cây bút, tác phẩm giàu tính chiến đấu, đấu tranh không khoan nhượng trước tiêu cực, thực hiện sứ mệnh nhà báo công dân. "Tôi mong sẽ lan tỏa tinh thần này đến những người làm báo để có thêm nhiều tác phẩm báo chí hay, có ý nghĩa, truyền thông chính xác, hiến kế giải pháp, đấu tranh xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn" - ông Hải phát biểu.

QUỐC LINH



Tin tức liên quan

  • Sống chung với Omicron ở xứ tuyết trắng
  • 28/02/2022 08:57
  • Thời dịch giã này, không phải cứ có tiền là muốn gì cũng được. Bạn có tiền, nhưng bạn không có passport vaccine 2 doses (hai mũi chích), bạn sẽ chẳng được vào nhà hàng, rạp chiếu phim, hồ bơi hoặc các khu mua sắm tại Canada.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn