TP.HCM hướng đến môi trường làm việc an toàn lao động

31/05/2018 16:05 GMT+7

Đây là việc làm nhằm bảo vệ sức khỏe của người lao động và tài sản cho doanh nghiệp.

TP.HCM hướng đến môi trường làm việc an toàn lao động - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp có uy tín tại TP Hồ Chí Minh luôn chú ý đến đảm bảo an toàn lao động, phòng ngừa bệnh nghề nghiệp cho người lao động

Theo Ban quản lý khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN) TP Hồ Chí Minh, đa số doanh nghiệp hoạt động trong các KCX - KCN có quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn lao động - vệ sinh lao động. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ công tác này nên tai nạn lao động vẫn xảy ra.

Trong năm 2017, trên địa bàn thành phố xảy ra 1.510 vụ tai nạn lao động, làm bị thương 1.350 người, 213 người chết; riêng trong các KCX-KCN xảy ra 3 vụ tai nạn lao động chết người.

Nhằm giảm tình trạng tai nạn lao động trong tháng hành động an toàn vệ sinh lao động và phòng tránh bệnh nghề nghiệp năm 2018, TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu các đơn vị sử dụng lao động và người lao động cần nâng cao ý thức chấp hành, đảm bảo an toàn lao động - vệ sinh lao động, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ tài sản lẫn tính mạng con người.

Ông Phạm Huy Thông, Phó trưởng Ban quản lý KCN – KCX TP Hồ Chí Minh, cho biết để hạn chế tình trạng tai nạn xảy ra tại các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp trước tiên, các doanh nghiệp cần chủ động tuyên truyền, kêu gọi người lao động tham gia hưởng ứng công tác an toàn vệ sinh lao động bằng các hình thức treo băng rôn, pano tuyên truyền trong khu vực sản xuất; rà soát và xây dựng đầy đủ các nội quy, quy định về an toàn lao động; tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh cho người lao động; trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Đối với người lao động, cần thực hiện nghiêm túc nội quy an toàn vệ sinh lao động của doanh nghiệp. Người lao động phải nhận thức đầy đủ việc thực hiện nghiêm túc các nội dung về an toàn lao động khi sản xuất, trước hết là nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe cá nhân mình, an toàn cho người xung quanh và cho cả doanh nghiệp.

"Để giảm thiệt hại do tai nạn lao động gây ra, tất cả chúng ta cần quan tâm, tìm hiểu các quy định pháp luật về an toàn vệ sinh lao động và đặc biệt là những quy chuẩn kỹ thuật về an toàn để chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, qua đó kêu gọi mọi người cần chung tay hành động thiết thực, hiệu quả vì lợi ích cho đơn vị mình và cho chính bản thân. Tại các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người lao động. Khi có cá nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cần tổ chức thăm hỏi, động viên các nạn nhân và gia đình nạn nhân… Thực hiện các chương trình văn hóa, văn nghệ giao lưu có lồng ghép nội dung tuyên truyền về an toàn vệ sinh lao động để mọi người hiểu biết hơn về an toàn lao động. Các cơ quan, quản lý nhà nước cần rà soát, kiểm tra các đơn vị, doanh nghiệp để kịp thời phát hiện đơn vị, doanh nghiệp nào không tuân thủ các quy tắc về an toàn lao động cần kiên quyết xử lý triệt để để tăng tính răn đe", bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, đề nghị.



Tin tức liên quan

  • Chủ tịch TPHCM: “Không làm được việc thì xin mời làm việc khác”
  • Thứ sáu, 03/08/2018 - 07:14
  • Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, sẽ báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ. “Bây giờ chúng ta phải thẳng thắn và mạnh dạn với nhau, nếu làm không được việc thì phải chuyển chỗ khác, mời làm việc khác”, ông Phong nhấn mạnh.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn