Triển khai 8 dự án đường cao tốc trên tuyến Bắc - Nam

08/01/2018 13:32 GMT+7

TTO - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể vừa ký quyết định giao nhiệm vụ chủ đầu tư giai đoạn chuẩn bị 8 dự án xây dựng đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông trong giai đoạn 2017-2020.

Triển khai 8 dự án đường cao tốc trên tuyến Bắc - Nam - Ảnh 1.

Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - một trong những đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam đã hoàn thành - Ảnh: VEC

Bộ GTVT giao các Ban quản lý dự án 2, 6, 7, 85, Thăng Long và Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư thực hiện các dự án trên theo hình thức đối tác công tư.

Theo đó, có 4 dự án làm đường cao tốc nối từ Ninh Bình đến Hà Tĩnh gồm đoạn Mai Sơn (Ninh Bình) - quốc lộ 45; quốc lộ 45 (Thanh Hóa) - Nghi Sơn (Thanh Hóa); Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Diễn Châu (Nghệ An); Diễn Châu (Nghệ An) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh). 

Bốn dự án làm đường cao tốc nối từ Khánh Hòa đến Đồng Nai gồm Nha Trang (Khánh Hòa) - Cam Lâm (Khánh Hòa); Cam Lâm (Khánh Hòa) - Vĩnh Hảo (Bình Thuận); Vĩnh Hảo (Bình Thuận) - Phan Thiết (Bình Thuận) và Phan Thiết (Bình Thuận) - Đồng Nai.

Bộ GTVT cho biết mục tiêu đầu tư các tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông có năng lực lớn, an toàn, tốc độ cao; nhằm kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị đặc biệt là 3 vùng kinh tế trọng điểm; từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ với các công trình hiện đại, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh; góp phần tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Theo nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 được lựa chọn ưu tiên làm trước 11 dự án với tổng chiều dài 654 km và tổng mức đầu tư gần 120.000 tỉ đồng. 

Trong đó, 8 dự án được đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng kinh doanh và chuyển giao) với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 104.079 tỉ đồng (vốn đầu tư Nhà nước 40.362 tỉ đồng). Dự kiến khởi công năm 2019 và cơ bản hoàn thành vào năm 2021.

Có 3 dự án đầu tư hoàn toàn bằng vốn ngân sách bao gồm các đường cao tốc Cao Bồ (Nam Định) - Mai Sơn (Ninh Bình), đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế) và cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang - Vĩnh Long) để kết nối đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Theo ông Nguyễn Chung Khánh - tổng giám đốc Ban quản lý dự án 7, Bộ GTVT - Ban quản lý sẽ triển khai ngay việc lập dự án đầu tư và sau đó sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức hợp tác công tư. 

Dự kiến cuối năm 2019 triển khai xây dựng và hoàn thành công trình vào năm 2021.



Tin tức liên quan

  • Bộ trưởng Giao thông “chốt hạn” cán đích dự án, công trình trọng điểm
  • Thứ sáu, 23/02/2018 - 13:33
  • Ngày 22/2, ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) - kiểm tra một số dự án giao thông trọng điểm tại tỉnh Quảng Ninh. Bộ trưởng GTVT đã “chốt hạn” cho nhà thầu phải hoàn thành dự án sân bay Quảng Ninh, cầu Bạch Đằng, cao tốc Hải Phòng - Móng Cái trước tháng 6/2018.

  • Việt Nam sẽ xây dựng đường sắt tốc độ cao trong 2 năm tới?
  • Thứ năm, 01/03/2018 - 15:00
  • Theo định hướng nghiên cứu hoàn thiện tiền khả thi Dự án đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao, đến năm 2020 nghiên cứu phương án xây dựng mới, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để ưu tiên đầu tư đoạn Hà Nội - Vinh, TP HCM - Nha Trang. Giai đoạn 2020 -2030, triển khai xây dựng thực tế đường sắt tốc độ 350km/h.

  • Bộ Giao thông nói gì về đề xuất cấm Uber và Grab trên 11 tuyến phố ở Hà Nội?
  • Thứ năm, 01/03/2018 - 18:39
  • Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân Trí đề tính hợp lý và hợp pháp của đề xuất cấm xe hợp đồng điện tử Uber và Grab trên 11 tuyến phố của Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) Hà Nội lên Uỷ ban nhân dân TP. Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết: Bộ không phân biệt đối xử xe này, xe kia, quan điểm của Bộ là ủng hộ tổ chức giao thông hợp lý.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn