Triển khai dự án đường Trường Chinh sau 14 năm nằm chờ

Thứ Tư, ngày 28/8/2019 - 06:20

(PL)- TP.HCM sẽ triển khai hai dự án quan trọng là mở rộng đường Trường Chinh và Tân Kỳ Tân Quý để giải tỏa kẹt xe khu vực Tây Nam TP.

“Hiện chúng tôi đang lập thủ tục đấu thầu, chọn tư vấn thiết kế để bắt đầu triển khai dự án nâng cấp, mở rộng hai tuyến đường là Trường Chinh và Tân Kỳ Tân Quý (thuộc địa bàn các quận Tân Bình và Tân Phú)”. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, thông tin như trên.

Đi 600 m mất hơn 40 phút

Ghi nhận của PV vào lúc 17 giờ ngày 27-8 tại điểm nóng giao thông đường Trường Chinh. Tại đây, lượng xe từ Hóc Môn, quận 12... cùng những nhánh đường nhỏ đổ dồn về đường này với mật độ dày đặc. Có bốn chiến sĩ CSGT và dân quân chốt tại giao lộ Trường Chinh - Âu Cơ, đặc biệt là giao lộ Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý.

Lượng xe máy, ô tô, xe tải rất đông cùng với xe buýt ra vào đón khách gây tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng. Đến khoảng 18 giờ, nhiều người và phương tiện qua đây phải chen lấn, len lỏi từng chút một. Dù được lực lượng thanh niên xung phong và CSGT tích cực phân luồng nhưng tình hình kẹt xe vẫn không cải thiện.

Chị Lương Đông Âu (ngụ quận Tân Bình) cho hay tình trạng kẹt xe tại tuyến đường Trường Chinh qua khu vực này diễn ra vào buổi sáng từ 6 giờ 30 đến 8 giờ, buổi chiều từ 16 giờ 30 đến 19 giờ. Bởi đường Trường Chinh quá nhỏ so với lượng xe lưu thông. “Kẹt một cái là khỏi nhích luôn! Có khi cả tiếng mới đi được” - chị Âu than.

Thoát khỏi dòng xe tứ hướng kẹt cứng ở khu vực giao lộ Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý, anh Trần Văn Thuận (ngụ quận Tân Bình) lắc đầu ngao ngán: “Khổ! Không ngày nào tôi không chịu trận kẹt xe khi qua khu vực này. Từ nhà cách chỗ làm chưa đến 5 km nhưng lần nào cũng mất ít nhất 40 phút cho mỗi chặng đi, về”.

Đồng cảnh ngộ, anh Phan Đăng Lâm, tài xế taxi (ngụ quận 12), cho hay anh ngán nhất là đoạn đường qua Trường Chinh. “Nhiều khi đi qua một khoảng ngắn từ mũi tàu Cộng Hòa đến ngã ba giao với đường Âu Cơ (quận Tân Phú) dài hơn 600 m mà mất hơn 40 phút” - anh Lâm nói.

Theo quan sát của PV, tại ngã ba Tân Sơn Nhì giao với đường Trường Chinh hiện không có tín hiệu đèn xanh, đỏ. Các hướng xe đột ngột quẹo trái vào đường Tân Sơn Nhì xảy ra xung đột với hướng xe khác, đây cũng là mốc nối cho tình trạng kẹt xe tại khu vực.

Một CSGT chốt tại ngã tư Tân Kỳ Tân Quý cho biết hàng ngàn người cùng phương tiện từ các quận, huyện ngoại thành như huyện Bình Chánh, Hóc Môn, quận 12,… đổ dồn vào đường Trường Chinh về trung tâm TP vào mỗi ngày. Vì đây vốn là tuyến đường huyết mạch nối thông nhiều tỉnh, quận, huyện với trung tâm TP. Trong khi đó, số lượng xe đăng ký tại các quận, huyện đều tăng theo mỗi ngày mà diện tích đường lại không tăng. Kết cấu hạ tầng không đáp ứng nên tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diễn ra thường xuyên.

Triển khai dự án đường Trường Chinh sau 14 năm nằm chờ - ảnh 1
Dòng xe kẹt cứng kéo dài trên đường Trường Chinh đoạn từ Âu Cơ đến Tân Kỳ Tân Quý chiều 27-8. Ảnh: HOÀNG GIANG

Chờ giải phóng mặt bằng

Thông tin thêm về hai dự án nâng cấp, mở rộng đường Trường Chinh và Tân Kỳ Tân Quý, ông Ninh cho hay các công việc triển khai dự án đang được đẩy nhanh. Vấn đề cần giải quyết hiện nay là giải phóng mặt bằng, công việc này do quận Tân Bình và Tân Phú làm chủ đầu tư.

“Công tác lựa chọn nhà thầu cho dự án Trường Chinh cũng có thể sẽ bắt đầu trong tháng 8, còn với dự án Tân Kỳ Tân Quý thì đã lựa chọn được nhà thầu” - ông Ninh cho biết.

Nói thêm về việc chuẩn bị dự án, ông Ninh cho biết TP đã giao cho mỗi dự án 500 triệu đồng để lập thủ tục đấu thầu và dự toán công trình. Nếu mọi việc thuận lợi, khi có mặt bằng, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông có thể tiến hành thi công ngay hai dự án xóa ùn tắc cửa ngõ phía tây nam này.

PGS-TS Nguyễn Bá Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH GTVT TP.HCM, đánh giá việc mở rộng đường, nhất là khu vực tâm điểm cửa ngõ của TP là cần thiết. Tuy nhiên, theo ông, với những dự án đã có quy hoạch và quy hoạch từ lâu nhưng đến nay mới triển khai thì cần có đánh giá lại một cách cụ thể về phương án và khả năng thực hiện.

“Để giải tỏa kẹt xe thì có hai cách cơ bản: Giao thông công cộng và mở đường. Với phương án mở đường thì cần lưu ý vì sẽ ảnh hưởng đến dân cư hiện hữu. Vì vậy chúng ta cần bàn lại với các chuyên gia, hội đồng mà thấy cần triển khai dự án thì thông báo, họp dân để việc giải tỏa, bồi thường được thực hiện hợp lý” - TS Hoàng nói.

Theo ông Hoàng, việc “ngâm” các dự án quá lâu trên giấy khiến chi phí giải phóng mặt bằng đội lên rất nhiều nên cần rà soát quy hoạch, đường cần mở rộng thì nên quyết tâm thực hiện sớm. Ngoài ra, theo ông Hoàng, với các dự án liên quan đến cửa ngõ TP thì nên xem xét thêm đến khả năng kết nối với những tuyến trục đi các tỉnh để giải quyết bài toán giao thông một cách đồng bộ.

Còn TS Phạm Văn Hùng, Phó Phân viện trưởng Phân viện Khoa học công nghệ GTVT phía Nam, thì nhận định việc mở đường hay làm dự án cần phải gắn với quy hoạch tổng thể để tránh làm theo cách kẹt đâu thì mở đó, hư đâu thì sửa đó.

“Mở đường thì hiệu quả nhưng hiệu quả lúc đầu, khi mới mở sẽ thông thoáng, sau đó xe dồn về thì lại tràn ngập phương tiện. Hoặc mở đường nhưng xe qua khu vực đó rồi lại dồn kẹt về nút hẹp kế tiếp, rồi mở nút đó thì lại tắc đường kế tiếp… Có nghĩa là bài toán liên hoàn cần giải quyết, chưa nói đến các đường có nhiều nhánh” - ông Hùng phân tích.

Theo ông Hùng, vấn đề là quy hoạch tổng thể, quy hoạch chỉ có giá trị khi đồng bộ nhiều thứ. Ví dụ, người ta tính mở đường thì phải có metro, giao thông công cộng, cao tốc, cầu vượt, kết hợp với cả việc di dời khu công nghiệp, trường học ra xa thì mới hiệu quả. Chứ khi mở đường mà những việc còn lại chưa được thực thi thì cũng chỉ là giải pháp ngắn hạn.

“Một vấn đề khác liên quan đến mật độ xây dựng, mở đường nhiều như thế nào. Nếu không hạn chế mật độ xây dựng như cao ốc, chung cư hoặc phát triển ồ ạt không kiểm soát thì kẹt vẫn hoàn kẹt” - ông Hùng khẳng định.

Mở rộng đường Trường Chinh lên 12 làn xe

Dự án mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý đoạn từ đường Lê Trọng Tấn đến đường Cộng Hòa dài 644,5 m, mở rộng lên thành 30 m với sáu làn xe, được thực hiện với tổng mức đầu tư 742,1 tỉ đồng.

Dự án nâng cấp, mở rộng đường Trường Chinh đoạn từ đường Cộng Hòa đến Âu Cơ dài 904 m, mở rộng thành 60 m cho 10-12 làn xe. Tổng mức đầu tư là 2.147 tỉ đồng, trong đó bồi thường giải tỏa đoạn này lên đến con số gần 2.000 tỉ đồng.

Từ năm 2005, việc mở rộng hai tuyến đường này cũng đã được lập dự án với tổng mức đầu tư chỉ khoảng 600 tỉ đồng, tuy nhiên do nguồn vốn hạn hẹp nên dự án vẫn “án binh bất động”. 

 

KIÊN CƯỜNG - THU TRINH



Tin tức liên quan

  • Ngày 20-10 bàn giao hơn 1.800ha mặt bằng xây sân bay Long Thành
  • 01/10/2020 19:54
  • Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng tại buổi làm việc với Cảng vụ hàng không miền Nam và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) về việc giải phóng, bàn giao mặt bằng dự án sân bay Long Thành vào chiều 1-10.

  • Dự án giao thông kêu thiếu vốn và chờ mặt bằng
  • 14/04/2020 09:09
  • Bộ GTVT đã giải ngân hơn 6.481 tỉ đồng, tỉ lệ đạt 21,16% so với kế hoạch vốn được giao năm 2020 (gồm hơn 4.921 tỉ đồng vốn năm 2020 và gần 1.560 tỉ đồng vốn dư của năm 2019). Mức độ giải ngân này được đánh giá là chậm.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn