Từ 15-21/9: Hội giảng đầu tiên từ khi Bộ LĐ-TB&XH “nắm” giáo dục nghề nghiệp

Thứ ba, 11/09/2018 - 06:02

Trung tuần tháng 9, tại Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ tổ chức Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp năm 2018. Chương trình thu hút 373 nhà giáo của 244 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đây là Hội giảng đầu tiên sau khi Bộ LĐ-TB&XH thống nhất quản lý ngành giáo dục nghề nghiệp.

Trao đổi với báo giới chiều 10/9, tại Hà Nội, ông Trương Anh Dũng - Trưởng Ban tổ chức Hội giảng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết: “Hội giảng là hoạt động mang tính chuyên môn cao, quy tụ các giảng viên xuất sắc từ nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Qua đó phát hiện các phương pháp giảng dạy, thiết bị, đồ dùng dạy học có hiệu quả cao để áp dụng vào công tác đào tạo nghề”.

Theo Ban tổ chức, Hội giảng sẽ diễn ra từ ngày 15 - 21/9 với sự tham gia của 373 nhà giáo đến từ 56 tỉnh, thành phố thuộc 244 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đoàn giảng viên của Thành phố Hà Nội có số bài giảng nhiều nhất là 29, tiếp đến là Đoàn TP Hồ Chí Minh với 23 bài…

Đây là Hội giảng lần đầu tiên của ngành giáo dục nghề nghiệp kể từ ngày 1/1/2017, khi đó: Bộ LĐ-TB&XH chính thức quản lý các trường cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp (trừ ngành sư phạm) trên toàn quốc.

Ông Trương Anh Dũng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục giáo dục nghề nghiệp giới thiệu về Hội giảng.

Ông Trương Anh Dũng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục giáo dục nghề nghiệp giới thiệu về Hội giảng.

Công bố thông tin, ông Trần Văn Nịch, Vụ trưởng Vụ Nhà giáo (Tổng cục giáo dục nghề nghiệp), cho biết: Hội giảng năm 2018 ghi nhận kỷ lục với số bài 373 bài giảng - nhiều nhất từ trước tới nay, 90 nghề dự thi, trong đó có nhiều nghề mới như: Dược học, Nghệ thuật trình diễn, Quản lý siêu thị, Kỹ thuật mỏ, Chăn nuôi thú y,…

Điểm mới của Hội giảng năm 2018 là sẽ không tiến hành kiểm tra nhận thức, xử lý tình huống sư phạm riêng. Thay vào đó, Ban tổ chức sẽ lồng ghép vào trong từng bài giảng để việc đánh giá mang tính toàn diện và tập trung thời gian cho nhà giáo thực hiện trình giảng.

“Đồng thời, Hội giảng năm 2018 sẽ tập trung đánh giá kỹ năng thực hiện tất cả ba loại giáo án (lý thuyết, thực hành, tích hợp) nhằm qua đó để nâng cao năng lực giảng dạy tích hợp, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng tiếp cận năng lực” - ông Trần Văn Nịch cho biết.

Hội giảng năm nay cũng sẽ không giới hạn số nghề đăng ký dự thi; các bài trình giảng tại hội giảng bao gồm: Bài giảng lý thuyết, bài giảng thực hành, bài giảng tích hợp; nhà giáo tham gia hội giảng chỉ thực hiện trình giảng, không kiểm tra nhận thức và xử lý tình huống sư phạm…

Theo ông Trương Anh Dũng, trước đây, người thầy là trung tâm truyền thụ, chuyển giao kiến thức. “Nhưng ngày nay, trọng tâm của quá trình chuyển sang người học. Người thầy đảm nhiệm vai trò hướng dẫn, hỗ trợ, chuyển giao tri thức thông qua tiếp nhận một cách chủ động của người học”.

Bên cạnh những hoạt động chính, Ban tổ chức còn tổ chức trưng bày, triển lãm các thiết bị giáo dục nghề nghiệp của doanh nghiệp; hội thảo về đào tạo, bồi dưỡng giáo dục nghề nghiệp; giao lưu trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn tham quan du lịch…

Hoàng Mạnh



Tin tức liên quan


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn