Tự yêu cầu hủy văn bản công chứng đã ký

Thứ Bảy, ngày 14/9/2019 - 06:20

(PL)- Một công chứng viên tự yêu cầu tòa án tuyên bố văn bản do mình ký công chứng là vô hiệu.

TAND tỉnh Thanh Hóa vừa xử phúc thẩm vụ yêu cầu hủy văn bản công chứng giữa nguyên đơn là ông LVT (công chứng viên - CCV) và các bị đơn, đã sửa án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T.

Ban đầu khởi kiện sai

Ông T. trình bày ngày 17-5-2014, bà N. và vợ chồng bà T. đến văn phòng công chứng (VPCC) xuất trình các giấy tờ và yêu cầu công chứng về biên bản thỏa thuận giữa hai bên. Nội dung thỏa thuận là vợ chồng bà T. tự nguyện chuyển giao ki-ốt bán hàng số 10 tại một chợ ở huyện Vĩnh Lộc để trả nợ 560 triệu đồng cho bà N. (kèm theo bản án). Bà N. đồng ý nhận ki-ốt nói trên để cấn trừ nợ. Với tư cách là CCV, ông T. đã công chứng biên bản thỏa thuận trên bằng văn bản công chứng số 1661.

Ngày 8-5-2015, giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hóa có kết luận thanh tra chuyên ngành đối với VPCC. Theo đó, hồ sơ số 1661 công chứng văn bản thỏa thuận thi hành án dân sự là trái với khoản 1 Điều 3 Nghị định 58/2009 của Chính phủ (quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự).

Kết luận thanh tra kiến nghị VPCC làm việc với người tham gia hợp đồng để hủy bỏ hợp đồng theo quy định tại Điều 51 Luật Công chứng hoặc đề nghị tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu. Lý do là biên bản thỏa thuận giữa bà N. và vợ chồng bà T. không có xác nhận của UBND cấp xã nơi tiến hành việc thỏa thuận.

Sau đó VPCC đã mời những người tham gia thỏa thuận đến để hủy bỏ văn bản số 1661, song bà N. và vợ chồng bà T. cho rằng thỏa thuận của họ là tự nguyện nên họ không đồng ý. Vì thế VPCC đã khởi kiện yêu cầu TAND huyện Vĩnh Lộc tuyên bố văn bản công chứng số 1661 do nơi này công chứng là vô hiệu.

Xử sơ thẩm vào năm 2016, TAND huyện Vĩnh Lộc tuyên bố văn bản công chứng số 1661 nêu trên vô hiệu. Sau đó, các bị đơn kháng cáo yêu cầu hủy án sơ thẩm. Xử phúc thẩm vào năm 2017, TAND tỉnh Thanh Hóa đã hủy án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án. Lý do là tòa sơ thẩm xác định sai tư cách tham gia tố tụng, thiếu người tham gia tố tụng và áp dụng văn bản pháp luật không chính xác.

Tự yêu cầu hủy văn bản công chứng đã ký - ảnh 1

Công chứng viên phải đích danh kiện

Ngày 17-9-2018, đến lượt CCV là ông T. có đơn khởi kiện yêu cầu TAND huyện tuyên bố văn bản công chứng số 1661 do chính ông ký công chứng là vô hiệu.

Cũng như phiên tòa trước, các bị đơn đều giữ nguyên yêu cầu của mình cho rằng văn bản công chứng số 1661 là hợp pháp. Phía bị đơn cho rằng việc vợ chồng bà T. chuyển nhượng nhà, đất cho bà N. để trả khoản tiền vay 560 triệu đồng là hoàn toàn tự nguyện, không trái pháp luật và đạo đức xã hội.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là bà S. cho rằng bà có bản án buộc bà T. phải trả cho bà hơn 250 triệu đồng và buộc vợ chồng bà T. phải trả cho bà gần 10 triệu đồng. Khi bà làm đơn yêu cầu thi hành án thì được biết vợ chồng bà T. đã giao toàn bộ tài sản là ki-ốt ở chợ như trên cho bà N. cấn trừ nợ. Việc này ảnh hưởng đến quyền lợi của bà nên bà yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng số 1661 vô hiệu.

Tháng 6-2019, xử sơ thẩm vụ này, TAND huyện Vĩnh Lộc tuyên bác yêu cầu khởi kiện của ông T. và người liên quan là bà S., tuyên bố văn bản công chứng số 1661 có hiệu lực pháp luật. Sau đó bà S. kháng cáo yêu cầu hủy bản án này.
NHẪN NAM



Tin tức liên quan

  • Công chứng, thừa phát lại vất vả vì COVID-19
  • Thứ Tư, ngày 18/3/2020 - 06:10
  • (PL)- Việc ít, doanh thu giảm nhưng các đơn vị công chứng và thừa phát lại vẫn siết chặt việc phòng, chống dịch bệnh để gỡ vướng và duy trì hoạt động.

  • TPHCM: Phường mở cửa đến tối giúp dân thuận tiện công chứng giấy tờ
  • Thứ tư, 18/04/2018 - 07:00
  • Người dân khi cần công chứng giấy tờ thường gặp khó khăn vì các phường đều làm việc trong giờ hành chính, nếu muốn công chứng giấy tờ phải xin nghỉ một buổi làm việc. Hiểu được vướng mắc này, bắt đầu từ tháng 4 này, UBND phường Bến Thành (quận 1, TPHCM) triển khai chứng thực ngoài giờ hành chính để phục vụ người dân.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn