Vì sao 2 đoạn cao tốc qua miền Tây có suất đầu tư khác nhau?

06/01/2022 16:09

Dù cùng một điều kiện địa chất nhưng suất đầu tư cao tốc Cần Thơ - Cà Mau cao hơn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ vì đoạn Cần Thơ - Cà Mau có chiều dài cầu nhiều gấp đôi.

Vì sao 2 đoạn cao tốc qua miền Tây có suất đầu tư khác nhau? - Ảnh 1.

Đường cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Ninh Bình - Thanh Hóa đang hình thành - Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH

Bộ Giao thông vận tải lý giải như vậy trong báo cáo gửi Quốc hội ngày 6-1 về việc tiếp thu, giải trình báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế với dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025

Bộ Giao thông vận tải cho biết theo quy định của Luật xây dựng, với báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì việc xác định sơ bộ tổng mức đầu tư theo thiết kế sơ bộ là cơ sở để ước tính chi phí đầu tư xây dựng.

Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án đã được tính toán trên cơ sở suất vốn đầu tư xây dựng, chi phí của các dự án tương tự đã thực hiện (đặc biệt là dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020).

Sơ bộ tổng mức đầu tư cũng có sự quy đổi về mặt bằng giá thị trường tại địa điểm xây dựng, bổ sung chi phí biến động giá của đất đắp, thép xây dựng, xăng dầu…

Bộ Giao thông vận tải cho biết: với báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt giai đoạn 2017 - 2020, 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn (Ninh Bình) đến Bãi Vọt (Hà Tĩnh) có suất đầu tư bình quân 190 tỉ đồng/km.

Với báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, 10 dự án thành phần từ Bãi Vọt (Hà Tĩnh) đến Cam Lộ (Quảng Trị) và đoạn Quảng Ngãi - Nha Trang có suất đầu tư bình quân 194 tỉ đồng/km.

Đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (dài gần 23km, đang thi công), theo báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt, suất đầu tư bình quân 210 tỉ đồng/km.

Còn theo nghiên cứu tiền khả thi đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, đoạn Cần Thơ - Cà Mau có suất đầu tư bình quân 253 tỉ đồng/km.

"Mặc dù đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ và Cần Thơ - Cà Mau có đặc điểm địa chất tương đồng nhưng số lượng cầu trên đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ chỉ chiếm 4,4% chiều dài, thấp hơn nhiều so với 9,2% chiều dài cầu trên đoạn Cần Thơ - Hậu Giang (một phân đoạn dài 37km của đoạn Cần Thơ - Cà Mau)", bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải lý giải yếu tố tạo chênh lệch.

Theo Bộ Giao thông vận tải, pháp luật quy định sơ bộ tổng mức đầu tư trong bước nghiên cứu tiền khả thi là cơ sở để ước tính chi phí đầu tư xây dựng, xây dựng kế hoạch vốn. Tổng mức đầu tư được phê duyệt trong bước nghiên cứu khả thi sẽ làm cơ sở để bố trí vốn cho dự án.

Tùy thuộc vào từng giai đoạn, quy định về mức độ chính xác đối với tổng mức đầu tư cũng khác nhau, nên việc so sánh giữa bước nghiên cứu tiền khả thi so với bước nghiên cứu khả thi cũng chỉ mang tính chất tương đối.

Sơ bộ tổng mức đầu tư bước nghiên cứu tiền khả thi luôn mang tính đường bao để bảo đảm tổng mức đầu tư bước nghiên cứu khả thi không bị vượt, không phải điều chỉnh chủ trương đầu tư. Vì vậy, sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án được xác định đúng quy định của pháp luật về xây dựng, đáp ứng độ tin cậy trong bước nghiên cứu tiền khả thi.

Trong bước tiếp theo, Bộ Giao thông vận tải sẽ tổ chức khảo sát chi tiết về địa chất, điều kiện cung cấp vật liệu xây dựng, đơn giá, định mức, các chính sách của Nhà nước làm cơ sở để xây dựng tổng mức đầu tư bảo đảm chặt chẽ theo quy định, làm cơ sở để bố trí vốn đầu tư.

 

Theo tờ trình của Chính phủ gửi Quốc hội về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, sẽ triển khai đầu tư 729km cao tốc 4 làn xe, chia thành 12 dự án thành phần.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án khoảng 146.990 tỉ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư khoảng 19.097 tỉ đồng (đã dự trù chi phí trồng rừng thay thế, chuyển đổi đất lúa hai vụ... theo quy định của pháp luật).

TUẤN PHÙNG



Tin tức liên quan


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn