Vì sao dân phản đối làm đường ĐT 607?

23/05/2018 15:08 GMT+7

TTO - Chủ đầu tư bố trí nguồn kinh phí chi trả chậm dẫn đến việc khi chi trả cho dân rơi vào thời điểm khung chính sách và giá bồi thường mới đã có hiệu lực, do vậy người dân không đồng ý nhận bồi thường theo khung giá cũ.

Vì sao dân phản đối làm đường ĐT 607? - Ảnh 1.

Ngôi nhà ông Ái đóng kín cửa khi lực lượng chức năng cưỡng chế sáng 22-5 - Ảnh: LÊ TRUNG

Ngày 23-5, UBND thị xã Điện Bàn cho hay sau khi được chính quyền vận động, thuyết phục, đến tối 22-5, gia đình ông Võ Như Ái (khối phố Quảng Lăng 2, phường Điện Nam Trung, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) đã đồng ý ký cam kết tự nguyện tháo dỡ nhà, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công tuyến đường ĐT 607 thuộc gói thầu số 3. 

Trước đó, do không đồng ý việc đền bù, gia đình ông Ái cùng một số người đã đóng cửa cố thủ trong nhà. 

Theo báo cáo về việc cưỡng chế, ông Trần Úc - chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết ngày 24-4-2018, địa phương này đã đối thoại với với các hộ dân trên.

Do thời điểm triển khai dự án trong tháng 6-2014 cận kề với ngày luật đất đai 2013 có hiệu lực (ngày 1-7-2014) nên việc thực hiện chính sách đơn giá bồi thường theo các quyết định cũ giao thời với thời điểm khung chính sách bồi thường mới.

Trước đó chủ đầu tư bố trí nguồn kinh phí chi trả bồi thường chậm trễ dẫn đến thời điểm chi trả cho dân rơi vào lúc khung chính sách và giá bồi thường mới đã có hiệu lực thi hành. 

"Vì vậy người dân luôn khiếu nại, cho rằng luật đất đai năm 2013 đã có hiệu lực mà vẫn bồi thường theo luật đất đai năm 2003 và không đồng tình bàn giao mặt bằng" - ông Úc nêu.

Đáng chú ý là việc ngày 30-6-2014, địa phương này có quyết định thu hồi đất đối với ông Ái với diện tích thu hồi 646m2, bồi thường theo luật đất đai 2003, chỉ cách một ngày luật đất đai năm 2013 có hiệu lực (ngày 1-7-2014).

Vì sao dân phản đối làm đường ĐT 607? - Ảnh 2.

Người dân tập trung đến xem cưỡng chế - Ảnh: LÊ TRUNG

Tháng 1-2017, Thanh tra tỉnh Quảng Nam có kết luận kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án đối với gói thầu số 3.

Qua kiểm tra, thanh tra tỉnh nhận thấy đa số các hộ dân bị ảnh hưởng được phê duyệt theo 2 phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại 2 quyết định đều ban hành cùng tháng 6-2014. 

Việc chậm bố trí kinh phí bồi thường cho 2 phương án này nên việc chi trả kéo dài dẫn đến vướng mắc phát sinh do có sự thay đổi của chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của luật đất đai 2013.

Sở Giao thông vận tải và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh không kịp thời đề xuất, tham mưu UBND tỉnh bố trí đầy đủ vốn sau khi phương án bồi thường được phê duyệt đảm bảo việc giải phóng mặt bằng, vì vậy trách nhiệm trước hết thuộc về hai đơn vị này.

Tháng 2-2017, chủ tịch UBND tỉnh - ông Đinh Văn Thu có văn bản về việc xử lý kết luận của thanh tra tỉnh, kiểm điểm trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải, Ban quản lý và UBND thị xã Điện Bàn trong việc chậm xử lý, tham mưu đề xuất bố trí đủ vốn cho công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của gói thầu số 3.

Vì sao dân phản đối làm đường ĐT 607? - Ảnh 3.

Ngôi nhà ông Ái nằm giữa tuyến đường 607 đang thi công dang dở - Ảnh: L.T



Tin tức liên quan


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn
Dự án không thể thi công