Vị thế nhà giáo vẫn chưa rõ ràng

29/05/2018 07:33 GMT+7

TTO - Bà Ngô Thị Minh - phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - nêu ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục.

Vị thế nhà giáo vẫn chưa rõ ràng - Ảnh 1.

Thầy Từ Phương Thảo - giáo viên Trường THCS Sơn Bao, huyện miền núi Sơn Hà, Quảng Ngãi, kèm bài vở cho em Đinh Văn Nu (lớp 8B). Ở huyện Sơn Hà, ngoài giờ dạy trên lớp, thầy cô còn phải dạy dỗ, chăm lo cho học sinh nghèo - Ảnh: TRẦN MAI

Trong dự thảo trước đây, Bộ GD-ĐT từng đề cập đến việc nâng lương nhà giáo lên cao nhất trong thang bảng lương. Tuy nhiên, ở dự thảo trình Quốc hội lần này, nội dung trên lại không được đề cập khiến nhiều nhà giáo hụt hẫng.

"Khẳng định vị thế của nhà giáo trong luật thì dự án luật cần quy định đầy đủ, cụ thể hơn hệ thống chính sách, không chỉ là lương mà còn các quy định liên quan tới đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, sử dụng, chế độ làm việc, thăng tiến... phù hợp tính đặc thù của nghề.

Bên cạnh đó là mối quan hệ và trách nhiệm tương hỗ giữa Nhà nước - nhà giáo - người học (và gia đình người học).

Chẳng hạn, phụ cấp ưu đãi nghề hiện nay ở dự án luật vẫn chỉ quy định chung chung. Các quy định về vị thế, vai trò; nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn; sự đãi ngộ, tôn vinh... còn chồng chéo, chưa phù hợp và khả thi" - bà Minh nói khi trao đổi với Tuổi Trẻ.

* Dự thảo luật đề xuất nâng trình độ chuẩn về đào tạo nhà giáo với một số cấp học và trình độ đào tạo. Theo bà thì đề xuất này có hợp lý không?

- Ủy ban cơ bản tán thành với việc nâng trình độ chuẩn đào tạo của giảng viên ĐH và giáo viên THCS như đề xuất của Chính phủ nêu trong dự thảo luật, đồng thời nhấn mạnh việc chuẩn hóa đội ngũ không chỉ ở trình độ đào tạo, mà quan trọng là chất lượng đào tạo và năng lực làm việc phù hợp với vị trí.

Đối với giáo viên tiểu học, nhiều đại biểu còn băn khoăn về tính khả thi của phương án nâng chuẩn trình độ đào tạo từ trung cấp lên ĐH. Hiện còn đến 40% (khoảng 160.000) giáo viên tiểu học có trình độ đào tạo từ CĐ trở xuống, trong đó chủ yếu tập trung ở các địa bàn khó khăn, thiếu giáo viên.

Qua giám sát, ủy ban đề nghị ban soạn thảo cần đánh giá đầy đủ hơn tình hình thực tiễn, xác định lộ trình nâng chuẩn để bảo đảm khả thi. Ngoài ra, cần đánh giá tác động đối với hệ thống các trường CĐ sư phạm và số giáo sinh sư phạm đang theo học.

"Chính sách phân luồng là điểm yếu của hệ thống giáo dục hiện nay nhưng cũng chưa được giải quyết trong dự thảo luật''

Bà Ngô Thị Minh

* Trong dự thảo luật trước đây có đưa nội dung miễn học phí cho học sinh ở bậc THCS, vì đây là đối tượng phổ cập giáo dục và cũng phù hợp với định hướng giáo dục cơ bản. Ở dự thảo mới lại không đề cập đến việc này?

- Nghị quyết 29-NQ/TW đưa ra: miễn học phí cho giáo dục mầm non 5 tuổi trước năm 2020 và thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020.

Hiện tại, việc miễn học phí cho giáo dục mầm non 5 tuổi đang được nhiều địa phương triển khai. Song dự thảo luật không đưa ra các quy định nhằm tháo gỡ thực trạng cả nước hiện nay chỉ bố trí được 26,2% chỗ học, chỗ gửi cho trẻ dưới 36 tháng tuổi.

Chính sách nhà nước thể hiện sự thiếu công bằng và chưa tiếp cận dựa trên quyền của trẻ nhỏ (kể cả điều kiện, chất lượng chăm sóc trẻ nhỏ tại các nhóm trẻ độc lập và tại gia đình), chưa tính đến trách nhiệm của Nhà nước với người học ở các cơ sở ngoài công lập.

Bài toán để đầu tư và sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước trong lĩnh vực này chưa được ban soạn thảo đặt ra nhằm đảm bảo nguồn lực thực hiện miễn học phí cho giáo dục mầm non 5 tuổi trước năm 2020 một cách khả thi và bền vững.

Mặt khác, chúng ta đang gặp rất nhiều áp lực, khó khăn về nguồn lực, về đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất, sĩ số học sinh khi thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học bắt buộc 2 buổi/ngày. Bởi lẽ các chính sách hiện hành dành cho người dạy và người học nghiêng quá nhiều cho các trường công.

Chính sách tiếp cận dựa trên quyền của người học ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập chưa được đặt ra...

* Những thay đổi về chương trình, sách giáo khoa (SGK) thì sao, thưa bà?

- Dự thảo đã đề cập đến những quy định liên quan tới mục tiêu, phương pháp, chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Việc sửa đổi, bổ sung như đề xuất là cần thiết, nhưng chưa đầy đủ.

Cụ thể là cần có những quy định mang tính nguyên tắc ngay trong Luật giáo dục về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa chương trình - SGK, cũng như các quy định việc lựa chọn, sử dụng SGK...

Chúng tôi cho rằng cần cân nhắc sử dụng các tiêu chí "ổn định", "linh hoạt" khi nói về thuộc tính của chương trình hay SGK; quy định về tổ chức thực hiện và cơ chế tài chính trong việc biên soạn, in, phát hành SGK (trợ giá, đấu thầu, đặt hàng...) bảo đảm công bằng, minh bạch.

Đồng thời, phải làm rõ quy định về việc thí điểm chương trình giáo dục phổ thông, thực hiện chương trình giáo dục khác với chương trình giáo dục do bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành...

Sinh viên sư phạm: cấp tín dụng hay miễn học phí?

Theo bà Ngô Thị Minh, dự thảo luật đề xuất thay thế quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm bằng quy định được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí. Sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm.

Đa số thành viên ủy ban tán thành với nội dung sửa đổi. Tuy nhiên, cần nghiên cứu kỹ cách thức tổ chức thực hiện nhằm bảo vệ quyền lợi cho người học trong tiếp cận chính sách, đồng thời cần bổ sung quy định về việc hoàn trả đối với những người tự đóng học phí.

Cũng có một số đại biểu đề nghị giữ lại quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm để thể hiện chính sách ưu tiên, ưu đãi của Nhà nước trong việc đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo".



Tin tức liên quan

  • Rào cản với việc nâng chuẩn giáo viên tiểu học từ trình độ trung cấp lên đại học
  • Thứ ba, 29/05/2018 - 11:33
  • Nói về đề xuất quy định nâng chuẩn trình độ đào tạo từ trung cấp lên đại học với giáo viên tiểu học, lãnh đạo Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội bày tỏ băn khoăn về tính khả thi khi đến nay, còn đến 40% số giáo viên tiểu học, tương đương 160.000 người có trình độ đào tạo từ cao đẳng trở xuống…


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn