Việt Nam chỗ nào cũng đẹp, không phải ai cũng cho vào

11/01/2018 13:02 GMT+7

TTO - Nhà đầu tư khi bước vào thì phải đem đến điều gì đó đặc biệt, tạo động lực mạnh mẽ cho đặc khu phát triển - phó chủ tịch Quốc hội Phùng Đức Hiển nhấn mạnh.

Việt Nam chỗ nào cũng đẹp, không phải ai cũng cho vào - Ảnh 1.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển - Ảnh: Quochoi.vn

Sáng 11-1, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (gọi tắt là đặc khu kinh tế), thảo luận sôi nổi quy định về mô hình tổ chức chính quyền đặc khu.

Ai kiểm soát quyền lực trưởng đặc khu?

Sau khi tổng hợp thảo luận của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2017, có 3 phương án chính về mô hình tổ chức chính quyền ở đặc khu: chính quyền có HĐND và UBND, chính quyền có trưởng đặc khu và hội đồng đặc khu, chính quyền chỉ có trưởng đặc khu.

Uỷ ban Pháp luật Quốc hội nghiêng về phương án có hội đồng đặc khu cùng trưởng đặc khu. "Hội đồng đặc khu là cơ quan hành chính do Thủ tướng Chính phủ thành lập ở từng đặc khu kinh tế, hoạt động thường xuyên, có thành phần bao gồm đại diện cơ quan nhà nước, chuyên gia, nhà khoa học, đại diện nhà đầu tư chiến lược, đại diện cộng đồng doanh nghiệp…", chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết.

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội Phan Thanh Bình thì phân tích: "Vai trò người đứng đầu đặc khu hết sức quan trọng, nhưng cần có tổ chức đi kèm, không phải là để kiềm chế mà là để tư vấn. Hội đồng đặc khu nên có cả các nhân sĩ, trí thức, nhà tư bản…, có ý tưởng, kinh nghiệm.

Trưởng đặc khu thì điều hành mọi hoạt động hành chính tại đặc khu. Về cán bộ, tôi đề nghị chọn người trẻ trung, năng động, phải từ phó bí thư tỉnh uỷ trở lên. Đây là nơi có thể đào tạo cán bộ quản lý giỏi".

Tuy nhiên, trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Tuý băn khoăn: "Chúng ta muốn có đột phá, muốn trao trách nhiệm và quyền hạn cho người đứng đầu mà lại thành lập các tổ chức như vậy thì rất khó, đôi khi một hội đồng đưa ra ý kiến thì người đứng đầu lại khó quyết định".

Ông Túy nói nên thí điểm "cơ chế mới, tổ chức kiểu mới" ở 3 đặc khu. Đây là các đơn vị thuộc cấp tỉnh, nếu có trục trặc cũng không gây hậu quả lớn cho quốc gia, dân tộc.

Tổ chức hành chính phải đặc biệt, thế mới đột phá, tạo cơ chế thông thoáng. Cũng như trong quân đội, khi có tình huống xảy ra mà cứ ba bốn ông ngồi bàn thì biết bao giờ mới xong, lúc đó phải trao quyền quyết định cho người chỉ huy. Người chỉ huy quyết đoát, quyết định tình huống và chịu trách nhiệm, thậm chí phải đi tù.

Phó chủ tịch Quốc hội, đại tướng Đỗ Bá Tỵ

"Như cô gái đẹp"...

"3 đặc khu này (Phú Quốc, Vân Đồn, Bắc Vân Phong) đem lại lợi ích gì cho đất nước?", phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề. Ông đề nghị dự luật phải thể hiện đặc khu là "động lực kéo sự phát triển của khu vực, của đất nước", qua đó tạo nguồn thu cho ngân sách chứ không phải bằng sưu cao thuế nặng.

Theo ông, đặc khu cũng phải có mô hình, cơ chế quản lý hiệu quả, hợp lý, có thể áp dụng các thành tựu trong công nghệ, khoa học quản lý vào đặc khu. Cũng như giữ vững quốc phòng, an ninh, chống các thủ đoạn thông qua kinh tế để làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.

Việt Nam là cô gái đẹp, tất cả cơ thể này chỗ nào cũng đẹp. Chúng ta phải lựa chọn những bàn tay tinh túy nhất, chứ không phải là ai cũng cho vào. Cho nên lựa chọn nhà đầu tư chiến lược phải có tầm vóc. Nhà đầu tư khi bước vào thì phải đem đến điều gì đó đặc biệt, tạo động lực mạnh mẽ cho đặc khu phát triển.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Đức Hiển

Ông Hiển cũng băn khoăn việc cấp quyền sử dụng đất đến 99 năm: "Hai mươi năm là một thế hệ, vậy 99 năm là quá dài. Tôi nghĩ cứ theo luật thôi, 70 năm ông nào vào thì vào. Thuế không miễn cho ông nào hết, chỉ giảm có thời hạn thôi".

Điểm này cũng có chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng bình luận thêm: "Khi chúng ta đang ngồi ở đây bàn dự án luật thì giá đất Phú Quốc đang tăng lên chóng mặt, cao chót vót. Nếu chúng ta cho phép giao đất 99 năm với ưu đãi cao về thuế, thì không biết đến bao giờ chúng ta có thể thu hồi được số tiền khổng lồ bỏ ra giải phóng mặt bằng".

Việt Nam chỗ nào cũng đẹp, không phải ai cũng cho vào - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Ảnh: Quochoi.vn

... nhưng "đang tụt hậu rất xa"

Giải trình trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết mặc dù đạt được nhiều thành tựu về kinh tế - xã hội, thực tế Việt Nam vẫn còn tụt hậu rất xa so với khu vực và thế giới.

"Trong khi các nước tiến hành nhiều đổi mới, sáng tạo về thể chế để bứt phá thì chúng ta chưa đổi mới được nhiều.Năm 2017 chúng ta mới đạt thu nhập bình quân 2.385 USD, trong khi Trung Quốc đã 8.000 USD mà nước họ 1,4 tỉ người, đặt mục tiêu đến năm 2020 thu nhập bình quân 10.000 USD", bộ trưởng Dũng nói.

"Nếu mỗi năm như 2017 chúng ta tăng có 170 USD thì không biết bao giờ đuổi kịp các nước. Đó là Trung Quốc chứ chưa kể đến Singapore, Malaysia. Trong khu vực chúng ta chỉ còn hơn Lào, Campuchia".

Vì vậy, theo ông Nguyễn Chí Dũng, thành lập đặc khu là hướng tiếp cận mà chúng ta phải theo.

"Trung Quốc thành công đến như thế nhưng họ vẫn liên tục tạo ra cơ chế mới, ngày càng sáng tạo, hiện nay họ làm khu kinh tế Tiền Hải nằm trong khu Thẩm Quyến, tức là một khu tự do trong một mô hình tự do, nhiều chính sách cạnh tranh vượt trội", ông Dũng chỉ ra.

"Nhiều chính sách chúng ta đưa ra trong dự án luật này thì Hàn Quốc, Malaysia, Trung Quốc đã làm rồi. Chúng ta đang tiếp cận các mô hình thành công, hiện đại chứ không nên tiếp cận các mô hình cách đây 30-40 năm".

Và bộ trưởng nhấn mạnh: "Thành lập đặc khu là cho quốc gia chứ không chỉ cho địa phương. Theo cách tiếp cận này thì trưởng đặc khu phải do Thủ tướng bổ nhiệm, các nước cũng vậy. Còn nếu có Hội đồng đặc khu thì mô hình không khác cũ là mấy, không có đột phá".

Trước các ý kiến khác nhau, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân băn khoăn việc soạn một khung thể chế chung cho cả 3 đặc khu vốn có vị trí địa lý, đặc thù, mức độ phát triển rất khác nhau. 

"Hay chăng quy định vào luật này 3 phần rieeng cho mỗi khu đặc khu kinh tế?", bà Ngân gợi ý. Chủ tịch Quốc hội cũng bày tỏ ủng hộ chủ trương thành lập đặc khu theo tinh thần đổi mới, tạo động lực phát triển đất nước, theo nguyên tắc không được trái Hiến pháp. Do đó, những điểm còn ý kiến khác nhau sẽ đưa ra xin ý kiến Bộ Chính trị và Trung ương.

Quốc hội dự kiến xem xét, thông qua dự án luật này vào kỳ họp giữa năm 2018.



Tin tức liên quan

  • Cảnh giác nạn trộm tiền ảo bằng ứng dụng giả trên smartphone
  • Thứ năm, 25/01/2018 - 14:46
  • Chuyên gia nghiên cứu mã độc cảnh báo người dùng về ứng dụng mang tên MyEtherWallet, giả mạo trang web tiền ảo MyEtherWallet.com, yêu cầu nhập tài khoản và mật khẩu 12 chữ số, và sau đó sẽ chiếm đoạt các thông tin này để "cuỗm đi" số tiền ảo bên trong.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn