Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Bảo an: Cơ hội lớn từ vị thế quốc tế!

Thứ sáu, 30/03/2018 - 16:15

“Chúng ta đừng hi vọng vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chúng ta sẽ tăng mậu dịch, tăng xuất khẩu, tăng thị trường... Nhưng, chúng ta có vị thế, sẽ giúp rất nhiều cho hình ảnh, tiếng nói và vị thế của chúng ta ở những diễn đàn khác. Lợi ích từ vô hình đến hữu hình chỉ là gang tấc và Việt Nam phải chớp được cơ hội này”.

Đó là chia sẻ của Đại sứ Bùi Thế Giang - Nguyên Phó trưởng phái Đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, nhiệm kỳ 2008 - 2010 - khi trao đổi với PV Dân trí về những cơ hội và thách thức của Việt Nam khi ứng cử làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.

- Phóng viên: Thưa ông, năm 2008, Việt Nam trúng cử làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đó có phải lợi thế và kinh nghiệm để tiếp tục ứng cử cho vị trí này lần thứ hai?

Đại sứ Bùi Thế Giang: Việt Nam đã có kinh nghiệm, nhưng thế giới bây giờ khác với 10 năm trước. Nếu phải nói việc gì là quan trọng mà chúng ta phải chuẩn bị hết sức cho lần này thì đó là phải làm sao hiệu quả hơn nữa ở các khía cạnh. Cách làm việc ở đa phương bây giờ đã khác, chúng ta phải tính hiệu quả nhiều hơn, huy động tổng lực là tốt nhưng tôi nghĩ sẽ không bền vững.

- Ông đánh giá như thế nào về sự chuẩn bị của Việt Nam cho việc ứng cử vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sau 10 năm?

10 năm trước Việt Nam là thành viên tại Hội đồng Bảo an, sau 10 năm chúng ta ứng cử lần thứ 2. Là một nước đang phát triển, so với 10 năm trước thì nay thế và lực của ta đã khác nhiều, nhưng chúng ta vẫn thiếu nhiều lắm, cái thiếu lớn nhất là năng lực cụ thể của từng cá nhân.

Tôi nói như vậy vì để chuẩn bị cho việc tham gia Hội đồng Bảo an thì các nước đều có kinh nghiệm, họ làm việc rất thường xuyên. Riêng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Nhật Bản có hàng chục lần tham gia Hội đồng Bảo an. Ấn Độ, Singapore và một số nước khác cũng tham gia Hội đồng Bảo an cùng Việt Nam như 10 năm trước, nhưng họ đã quay trở lại vị trí này thêm 2-3 lần rồi, còn Việt Nam nay mới ứng cử lần thứ 2.

Đại sứ Bùi Thế Giang - Nguyên Phó trưởng phái Đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, nhiệm kỳ 2008 - 2010

Đại sứ Bùi Thế Giang - Nguyên Phó trưởng phái Đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, nhiệm kỳ 2008 - 2010

- Ý ông là do thiếu năng lực cụ thể nên đã dẫn tới “độ trễ” trở lại Hội đồng Bảo an trong suốt 10 năm qua của Việt Nam?

Tôi không dám nói đó là độ trễ, bởi nước ta 10 năm qua đã đi bước rất dài. Chúng ta nhìn thực lực kinh tế của Việt Nam cách đây 10 năm so với bây giờ đã khác rất nhiều. Vị thế quốc tế và khu vực chúng ta cũng thấy rất khác. Quan hệ quốc tế được mở rộng rất nhiều, trong đó quan hệ đa phương và song phương của chúng hiện nay rất khác trước.

Tuy nhiên, với những người cầu toàn thì như thế vẫn chưa đủ và tôi nghĩ chẳng bao giờ là đủ cả. Sự chuẩn bị cho lần thứ 2 tham gia Hội đồng Bảo an với thế giới khác, thế và lực của chúng ta khác thì những đóng góp của chúng ta cũng phải khác. Công tác chuẩn bị sẽ rất vất vả và khó khăn hơn nhiều.

- Trong bối cảnh quan hệ đa phương hiện nay, nếu Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thì theo ông lợi ích trực tiếp mà Việt Nam được hưởng từ vị thế này là gì?

Theo tôi phải phân biệt rất rõ lợi ích cụ thể cân đo đong đếm được và lợi ích vô hình. Lợi ích ở đây không thể nói bằng cân, bằng lạng, bằng mét được, bởi Hội đồng Bảo an không có chuyện đó, vì đây không phải cơ quan kinh tế. Chúng ta đừng hi vọng vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chúng ta sẽ tăng mậu dịch, tăng xuất khẩu, tăng thị trường...

Nhưng, vào Hội đồng Bảo an là chúng ta có vị thế, đóng góp có hiệu quả và thực chất đối với các vấn đề của quốc tế, của khu vực trên góc độ hòa bình và an ninh, chúng ta sẽ thể hiện được sức mạnh của mình, thể hiện được thế và lực của mình trong quan hệ đối ngoại, điều này sẽ giúp rất nhiều cho hình ảnh, tiếng nói, vị thế của chúng ta ở những diễn đàn khác để đem lại hiệu quả thiết thực hơn.

Như vậy, lợi ích từ vô hình đến hữu hình chỉ là gang tấc và chúng ta phải chớp được cơ hội này.

- Trong quan hệ với Mỹ, Trung Quốc và một số nước lớn khác, Việt Nam đang có nhiều ưu thế và nhận được sự quan tâm rất lớn của họ. Ông có cho rằng những nước lớn này sẽ ủng hộ Việt Nam trong cuộc “chạy đua” vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lần này?

Việt Nam từng trúng cử là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc năm 2008 (ảnh: flickr)

Việt Nam từng trúng cử là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc năm 2008 (ảnh: flickr)

Quyết định là của họ.

Tôi có thể nói thế này, trong nhiệm kỳ 2 năm chúng ta là thành viên của Hội đồng Bảo an lần thứ nhất, bản thân tôi cũng được chứng kiến và được nhiều bạn bè quốc tế tiếp cận, đặc biệt là các nước muốn vào Hội đồng Bảo an, tuy nhiên có những nước ở châu Âu, Bắc Mỹ đến ngày bỏ phiếu thì họ trượt. Tôi rất đáng tiếc cho họ, nhưng đó là bản chất của luật chơi quốc tế.

Có một điều rất đáng mừng đối với chúng ta là đến nay chúng ta có mối quan hệ tốt, tích cực, hiệu quả với cả 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và nhóm G4 tại Hội đồng bảo an. Ngoài ra, chúng ta có vị thế quan hệ và chất lượng quan hệ của chúng ta.

Việt Nam thành công trong đối ngoại 10 năm qua chính là cơ sở quan trọng để tôi có thể hi vọng và có suy nghĩ tích cực về triển vọng của Việt Nam trong lần ứng cử này.

- Nếu nói nôm na rằng Việt Nam phải có những “cuộc vận động hành lang” trong lần ứng cử vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, theo ông chúng ta cần phải làm những gì?

Tôi nói thật, hầu như tất cả các nước vận động vào những chiếc ghế quan trọng của tổ chức quan trọng thì họ đều vận động hành lang “ghê gớm”. Họ tổ chức rất nhiều cuộc tiệc tùng, chiêu đãi, gặp gỡ... Nhưng tôi nhớ rằng, năm 2008 khi Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Bảo an, chúng ta không có một cuộc chiêu đãi nào trước đó để làm vận động hành lang. Chúng ta là nước nghèo và chúng ta có cách làm của chúng ta, quan trọng cuối cùng là hiệu quả.

Tôi nghĩ rằng, chúng ta đã làm được cách đây 10 năm và bây giờ sau 10 năm với những con người giỏi hơn nhiều thì chúng ta sẽ làm được điều đó rất tốt.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Châu Như Quỳnh



Tin tức liên quan

  • Liên Hợp Quốc trừng phạt 49 đối tượng vì giúp Triều Tiên "né" cấm vận
  • Thứ bảy, 31/03/2018 - 09:00
  • Liên Hợp Quốc đã công bố các lệnh trừng phạt mới nhằm vào 49 đối tượng bị cáo buộc trợ giúp Triều Tiên "né" các lệnh trừng phạt, trong đó có các công ty tại Trung Quốc và Hong Kong. Đây là gọi biện pháp trừng phạt lớn nhất từ trước tới nay nhằm vào các mục tiêu có liên hệ với Bình Nhưỡng.

  • Việt Nam phê chuẩn Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân
  • Thứ sáu, 18/05/2018 - 15:39
  • Bộ Ngoại giao cho biết, Việt Nam đã nộp lưu chiểu Văn kiện phê chuẩn Hiệp ước Cấm Vũ khí hạt nhân cho Tổng Thư ký Liên hợp quốc. Việt Nam là nước thứ 10 phê chuẩn Hiệp ước này.

  • Việt Nam nhấn mạnh vấn đề Biển Đông tại Liên hợp quốc
  • Thứ sáu, 18/05/2018 - 16:35
  • Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc Nguyễn Phương Nga cho rằng, các quốc gia phải có nghĩa vụ giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, đối thoại và hợp tác ở khu vực, thúc đẩy hòa bình giải quyết tranh chấp tại Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn
Đại hội đồng liên hợp quốc