Vợ có quyền đưa chồng đi cai nghiện rượu?

Thứ hai, 22/4/2019, 00:00 (GMT+7)

Tôi phải làm gì và có thể yêu cầu cơ quan chức năng bảo vệ mình khi chồng nghiện rượu không?

Tôi không thể nào chịu nổi hoàn cảnh như vậy nữa. Nếu có đầy đủ hình ảnh, camera, cùng các vết thương do bạo hành, tôi có thể làm gì ngoài ly hôn? Tôi có thể yêu cầu pháp luật bắt chồng tôi đi cai nghiện rượu không? Hoặc tôi có thể làm gì để bảo vệ mình?

Luật sư trả lời

Theo điểm a khoản 1 điều 2 Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2007, hành vi "hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng" là một trong các hành vi bạo lực gia đình.

Trong trường hợp của bạn, hành vi thường xuyên đánh đập, chửi bới, dùng dao, búa để hù dọa bạn của chồng bạn chính là bạo lực gia đình.

Theo khoản 1 điều 5 Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2007, bạn có quyền:

- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình;

- Yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của Luật này.

Như vậy bạn có thể yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền (Ủy ban nhân dân xã, phường) áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc bạn đối với chồng bạn để bảo vệ sức khỏe, tinh thần, tính mạng của bạn cũng như tránh sự bạo hành của chồng. Pháp luật không quy định về việc cai nghiện rượu nên bạn không thể đưa chồng bạn đi cai nghiện rượu được.

Ngoài ra, hành vi của chồng bạn có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự:

Xử phạt vi phạm hành chính:

Theo điều 49 Nghị định số 167/2013 ngày 12/11/2013 quy định:

1. Phạt tiền 1.000.000-1.500.000 đồng với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.

2. Phạt tiền 1.500.000-2.000.000 đồng với một trong những hành vi sau:

a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;

b) Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Truy cứu trách nhiệm hình sự:

Chồng bạn cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội nếu có đủ các yếu tố cấu thành:

+ Điều 185: tội Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình

+ Điều 140: tội Hành hạ người khác

+ Điều 134: tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

Luật sư, thạc sĩ Phạm Quốc Bảo
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội.



Tin tức liên quan


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn