Vụ bán... quần lót ở Festival văn hóa: Rút kinh nghiệm

Thứ Năm, ngày 11/4/2019 - 22:14

(PLO)- Nếu làm kinh doanh, đừng lợi dụng văn hoá truyền thống để kiếm vài đồng tiền lẻ!

Ngày 11-4, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Công Thương, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội và các bên liên quan đã làm việc với Công ty cổ phần Xúc tiến Đầu tư và Truyền thông Văn hóa Queen Group - đơn vị tổ chức “Festival văn hóa truyền thống Việt 2019” tại Hoàng thành Thăng Long, để làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị, theo theo TTXVN.

Lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cho biết đã xử phạt Queen Group 50 triệu đồng vì tổ chức gian trưng bày hàng hóa không đúng nội dung đăng ký.

Tại buổi làm việc, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Công Thương, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội đều nhận trách nhiệm về quản lý, giám sát khi để xảy ra sai phạm trong tổ chức lễ hội.

Theo báo cáo của các cơ quan liên quan, quy trình chấp thuận về lễ hội, xác nhận về gian hàng, giấy phép tổ chức biểu diễn đúng quy định. Tuy vậy, trong khâu tổ chức thực hiện có sai phạm, chủ yếu tập trung vào 4 ngành hàng không phù hợp với xác nhận nội dung đăng ký của Sở Công Thương Hà Nội và không phù hợp với nội dung của lễ hội cũng như địa điểm tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long.

Sau khi xảy ra vụ việc, các cơ quan liên quan đều tích cực xử lý bằng cách đóng cửa, di dời ngành hàng này ra ngoài và xử phạt doanh nghiệp.

Về kiểm điểm trách nhiệm, tất cả các cơ quan liên quan gồm Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội, Phòng Văn hóa Thông tin quận Ba Đình, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội đã rút kinh nghiệm và chịu trách nhiệm, chủ động và xem xét một cách kỹ lưỡng trong việc quản lý lễ hội.

Trách nhiệm chính để xảy ra sai phạm thuộc về đơn vị tổ chức lễ hội là Công ty cổ phần Xúc tiến Đầu tư và Truyền thông Văn hóa Queen Group. Đơn vị này được yêu cầu nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và cam kết khắc phục hậu quả.

Trước đó nhiều ý kiến thất vọng với những gì diễn ra tại Festival văn hoá truyền thống Việt Nam 2019 vì chẳng khác mấy một cái chợ. Trong hơn trăm gian hàng, theo tôi ước tính đến hơn ba phần tư các gian hàng là không liên quan gì đến văn hoá truyền thống.

Đó là gian hàng của các hãng ghế massage với các nhân viên chèo kéo mời khách vào ngồi dùng thử rồi tỉ tê giới thiệu bán hàng. Ở đầu khu gian hàng là cửa hàng bán đồ da phát loa ầm ĩ giới thiệu sản phẩm và mức giảm giá siêu khuyến mại. Ở giữa các gian hàng bán đồ quần áo hàng chợ treo biển: 5 cái quần lót (nữ) = 100k, sịp nam = 50k/c...

Đi sâu hơn là cửa hàng bán kính. Vắng khách nên nhân viên đang hát karaoke nhạc rên rỉ, cạnh đó là hàng bán đồ thông tắc vệ sinh, trong cùng là dãy hàng gia dụng đủ thứ đồng giá 39k/ món...

Ở các gian hàng ẩm thực ở Festival văn hoá truyền thống Việt Nam chủ yếu bày bán nào là cơm Gimbap chiên, lẩu bò Kimchi Hàn Quốc, Shushi của Nhật, xúc xích Đức, khoai tây chiên...

Cả khu vực ăn uống bàn ghế nhựa lộn xộn, đồ ăn thừa, giấy ăn vứt bừa bãi chưa ai kịp dọn trông thật nhếnh nhác...

Nếu làm kinh doanh, đừng lợi dụng văn hoá truyền thống để kiếm vài đồng tiền lẻ!

Vụ bán... quần lót ở Festival văn hóa: Rút kinh nghiệm  - ảnh 1
Một trong các gian hàng tại Festival văn hóa truyền thống Việt Nam 2019

PV



Tin tức liên quan

  • Truyện thiếu nhi bị lạm dụng yếu tố “sex” và bạo lực”?
  • Thứ ba, 23/01/2018 - 06:00
  • Dư luận từng lên án truyện thiếu nhi có chi tiết cổ súy loạn luân “cha muốn cưới con gái”, yếu tố bạo lực “chém Trăn tinh vỡ đầu, óc phọt ra chết tươi”; giờ lại hoang mang trước những hình ảnh khỏa thân, nội dung nhạy cảm trong cuốn truyện “Anh hùng Héc- quyn”…


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn