Vụ chùa Ba Vàng: Phạt 5 triệu là đúng hay sai?

Thứ Tư, ngày 27/3/2019 - 14:23

(PLO)- Nhiều ý kiến cho rằng trong vụ chùa Ba Vàng không xử hình sự bà Phạm Thị Yến mà chỉ phạt hành chính 5 triệu đồng là quá nhẹ, là không đúng pháp luật. Ý kiến này chuẩn xác không?

Những ngày qua, dư luận xôn xao và tỏ ra bức xúc trước việc chùa Ba Vàng tổ chức lễ thỉnh vong giải oan gia trái chủ, chữa bệnh bằng việc gọi vong, nhập hồn, phán số kiếp... Người đăng ký pháp thỉnh oan gia trái chủ phải trả nợ cho vong bằng tiền do vong yêu cầu thông qua hình thức công đức vào chùa Ba Vàng hoặc làm công quả lao động tại chùa Ba Vàng. Vậy việc làm này có bị xử lý hình sự hay không? 

Xử phạt 5.000.000 đồng là chính xác

Theo Luật sư (LS) Lê Xuân Thụ (Đoàn Luật sư TP.HCM), việc các cơ quan chức năng xử phạt bà Phạm Thị Yến (pháp danh Tâm Chiếu Hoàn Quán, đăng đàn thuyết pháp tại chùa Ba Vàng) mức phạt 5.000.000 đồng là đúng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định 158/2013.

Theo đó, hành vi của bà Yến là hành vi "Lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi" sẽ bị xử phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Bà Yến bị phạt mức cao nhất của khung này là phù hợp.

Tuy nhiên, cơ quan chức năng lại chưa làm rõ được số tiền thu lợi bất chính bao nhiêu để áp dụng hình phạt bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 15 Nghị định 158/2013.

Vụ chùa Ba Vàng: Phạt 5 triệu là đúng hay sai? - ảnh 1
Hình ảnh hoạt động gọi vong diễn ra tại chùa Ba Vàng. Ảnh: laodong.vn

Khó xử tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Nói về việc xử lý hình sự, LS Phạm Tuấn Anh (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng việc chùa Ba Vàng tổ chức lễ thỉnh vong giải oan gia trái chủ để chữa bệnh cho người dân và Phật tử có nhu cầu, trong nghi thức này có việc gọi vong, nhập hồn, phán số kiếp. Chùa còn quy định người đăng ký pháp thỉnh oan gia trái chủ buộc phải trả nợ cho vong bằng tiền.

Đặc biệt, vị trụ trì chùa còn khẳng định số tiền này là "do vong yêu cầu" chứ không phải do chùa. Đây là một hình thức lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo, lợi dụng sự mê tín, lợi dụng người dân trong hoàn cảnh bế tắc… để mạo danh vong linh “chứ làm gì có vong nào về yêu cầu nộp tiền”.

Đạo Phật có quan điểm về nghiệp chướng nhưng chỉ giải nghiệp bằng làm việc thiện, không có việc cúng và nộp tiền sẽ giải được nghiệp kiếp trước. Vì vậy, hành vi này là một hình thức sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản, có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 BLHS 2015.

Tuy nhiên, cấu thành của tội lừa đảo là người phạm tội dùng thủ đoạn gian dối bằng cách đưa ra thông tin không đúng sự thật làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Ở đây, nếu những người thỉnh oan gia trái chủ nộp tiền để chữa bệnh, giải nghiệp một cách tự nguyện, họ cho rằng mình không bị lừa, không bị thiệt hại thì khó xử lý hình sự về tội này.

Mặt khác, nếu muốn xử lý hình sự tội lừa đảo phải chứng minh mục đích chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, các cơ quan chức năng còn phải xem xét số tiền người dân nộp ai thu, ai giữ và sử dụng vào mục đích gì?

Tội hành nghề mê tín dị đoan cũng chưa xử được

Ngoài ra, theo LS Thụ Lê Xuân, hành vi của bà Phạm Thị Yến thoạt nhìn cũng có dấu hiệu của tội hành nghề mê tín, dị đoan (Điều 320 BLHS 2015). Theo đó, người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì mới cấu thành tội này.

Ở đây, bà Yến đã có những hành vi vi phạm nhưng trước đây chưa bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này (đây là lần đầu bị xử phạt), chưa bị kết án về tội này. Vì vậy, không đủ cơ sở xử lý hình sự bà Yến về tội hành nghề mê tín dị đoan.

Đồng tình, LS Bùi Quốc Tuấn nói thêm: "Bà Yến chưa từng bị xử lý hành chính về hành vi này nên hiện nay không thể xử lý hình sự được. Nếu sau khi xử phạt hành chính mà bà Yến tiếp tục vi phạm thì mới đủ cơ sở xử lý hình sự về tội trên".

YẾN CHÂU



Tin tức liên quan

  • Thông tin mới vụ xây nhà trên đất hàng xóm
  • Thứ Năm, ngày 11/4/2019 - 11:07
  • (PLO)- Sau khi xây móng trên đất hàng xóm, người chiếm đấtbị xử phạt hành chính nhưng họ không tháo dỡ nền móng mà dựng luôn căn nhà tạm trên đó.

  • Méo mó quản lý tiền công đức, chế tài được không?
  • 18/06/2019 10:38
  • Những hiện tượng méo mó trong quản lý nguồn tiền thu chi tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo gần đây lại được Quốc hội xới lên và dư luận có nhiều góp ý trái chiều. Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của các cá nhân quan tâm đến vấn đề này.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn