Vụ cưa cây gỗ khô: Các thẩm phán đã hết bệnh

Thứ Năm, ngày 31/5/2018 - 21:44

(PLO)-Sau khi luật sư phải "vịn" Chánh án vì các thẩm phán liên tục báo bệnh nên nhiều lần hoãn phiên toà phúc thẩm vụ cưa cây gỗ trong rừng đặc dụng Đắk Uy ( huyện Đắk Hà, Kontum), ngày 31-5, các thẩm phán của Hội đồng xét xử đã đủ sức khoẻđể điều hành phiên toà  đến cuối ngày.  

Bên nói tội trộm cắp, bên bảo chỉ phạt hành chính

Ngày 31-5, người dân ngồi chật kín phòng xử án và tràn ra cả bên ngoài hành lang để theo dõi TAND tỉnh Kon Tum xử vụ án kiểm lâm của rừng đặc dụng Đắk Uy và bốn người dân bị kết tội trộm cắp tài sản. Ngoài ra, còn có các kiểm sát viên cũng đến quan sát phiên toà.

Đây là vụ án Pháp Luật TP.HCM từng nhiều lần phản ánh, tháng 4-2016 kiểm lâm Phan Tiến Dũng (rừng đặc dụng Đắk Uy) đã để cho bốn người dân vào rừng cưa lấy gỗ trắc chết khô thì bị phát hiện. Riêng khúc gỗ mà các bị cáo lấy chỉ 0,123 m3, trị giá hơn 19 triệu đồng.

Tháng 9-2016, TAND huyện Đắk Hà đã tuyên phạt năm bị cáo từ 12-15 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Các bị cáo kháng cáo kêu oan. Tháng 3-2017, TAND tỉnh Kon Tum đã hủy bản án sơ thẩm trên. Tuy nhiên, xử sơ thẩm lần hai vào tháng 9-2017, TAND huyện Đắk Hà vẫn phạt các bị cáo 11-14 tháng tù về tội trộm cắp tài sản.

Vụ cưa cây gỗ khô: Các thẩm phán đã hết bệnh  - ảnh 1
Các bị cáo kháng cáo kêu oan. Ảnh: NGÂN NGA

Tại phiên toà hôm nay, năm bị cáo tiếp tục kêu oan cho rằng mình không phạm tội trộm cắp tài sản.

Ban quản lý rừng đặc dụng Đắk Uy khẳng định đây là rừng đặc dụng tự nhiên, đơn vị này cũng chỉ có trách nhiệm quản lý và bảo vệ rừng.

Dù vậy, VKSND tỉnh Kon Tum cho rằng cấp sơ thẩm đã phạt tù các bị cáo tội trộm cắp tài sản là có cơ sở. Lý do, cây gỗ trắc mà các bị cáo cưa thuộc rừng tự nhiên, hành vi của các bị cáo đã xâm hại trực tiếp sự quản lý của nhà nước.

Tranh luận lại: các luật sư bào chữa cho bị cáo gồm Luật sư (LS) Nguyễn Thị Kim Vinh (nguyên thẩm phán TAND Tối cao), LS Lê Văn Hoan, LS Nguyễn Thành Công (cùng Đoàn LS TP.HCM), LS Trần Cao Đại Kỳ Quân (Đoàn LS Đồng Nai) thống nhất đề nghị toà tuyên các bị cáo không phạm tội.

Vụ cưa cây gỗ khô: Các thẩm phán đã hết bệnh  - ảnh 2
Các Luật sư nhận lời mời của Báo Pháp Luật TP.HCM, bào chữa miễn phí cho năm bị cáo. Ảnh: NGÂN NGA

Lý do, căn cứ theo Thông tư liên tịch số 19/2007 của Bộ NN&PTNT, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, VKSND Tối cao và TAND Tối cao thì chỉ có thể xử các bị cáo tại chương XIV Các tội xâm phạm sở hữu (trong đó có tội trộm cắp tài sản) khi cây gỗ trắc mà các bị cáo cưa thuộc rừng trồng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh. Tuy nhiên, rừng Đắk Uy nơi các bị cáo khai thác lại là rừng đặc dụng nên không thể truy cứu trách nhiệm hình sự các bị cáo về tội trộm cắp tài sản (Điều 138 BLHS) được.

Ngoài ra, nếu xem xét các bị cáo theo Điều 175 (tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng) thì theo Nghị định 157/2013, các bị cáo lấy khúc gỗ trắc chỉ 0,123 m3 (dưới 5 m3), chưa đủ định lượng để khởi tố hình sự.

Việc các bị cáo chặt cây gỗ trắc dù còn sống hay đã chết khô rõ ràng là không đúng, có vi phạm. Nhưng sai đến đâu thì xử lý đến đó, không thể chỉ đáng xử hành chính mà lại quyết xử lý hình sự cho bằng được.

Vụ cưa cây gỗ khô: Các thẩm phán đã hết bệnh  - ảnh 3
Người dân bị toà nhắc nhở phải giữ trật tự do vỗ tay đồng tình với tranh luận của Luật sư. Ảnh: NGÂN NGA

Để chứng minh, các LS còn dẫn chứng một số vụ có hành vi tương tự vụ án này nhưng chỉ bị xử phạt hành chính. Chẳng hạn vào tháng 1-2016, rừng Đắk Uy phát hiện hai cây gỗ trắc gồm một cây có khối lượng 0,424 m3 và một cây gỗ trắc khác khối lượng 0,128 m3 cũng bị cưa hạ. Ban quản lý rừng căn cứ vào điểm b khoản 3 Điều 12 Nghị định 157 năm 2013 để xử lý hành chính.

Bên cạnh đó, các LS cũng cho rằng vụ án vi phạm tố tụng nghiêm trọng ở chỗ bị cáo Nguyễn Ngọc Bình bị khởi tố ngày 22-7-2016 nhưng đến ngày 20-6-2017, CQĐT mới giao quyết định khởi tố bị can cho bị cáo là vi phạm khoản 6 Điều 126 BLTTHS. Bản cáo trạng giao cho bị cáo Dũng thì không đóng dấu, không có tên người ban hành cáo trạng...

Chủ toạ nhắc Kiểm sát viên phải tranh luận thêm

LS Lê Văn Hoan còn cho rằng đây là rừng đặc dụng nên dù cây gỗ có chết khô thì vẫn phải để cây cho mục rữa, nuôi các loài cây sống ký sinh khác. Thế nhưng Cơ quan điều tra (có cả VKS có mặt tại hiện trường) lại vào rừng đào gốc gỗ nặng gần 450 kg mang về rồi Chi cục Thi hành án để mất, làm thất thoát tài sản của nhà nước.

Đối đáp lại, Kiểm sát viên cho rằng: “Đối với thông tư 19 thì đây là quan điểm đánh gía của mỗi người. Trong vụ án này, chúng tôi không sử dụng thông tư 19 mà chỉ áp dụng Điều 138 xử các bị cáo về tội trộm cắp tài sản”.

Vụ cưa cây gỗ khô: Các thẩm phán đã hết bệnh  - ảnh 4
Đại diện VKSND tỉnh Kon Tum. Ảnh: NGÂN NGA

Cạnh đó Kiểm sát viên cũng phân trần: “Chúng tôi không mâu thuẫn gì với bị cáo và luật sư, hãy để HĐXX ban hành một bản án thấu tình đạt lý”.

Thấy vậy, Chủ toạ nhắc nhở cần phải tranh luận thêm về thông tư 19 để HĐXX có cái nhìn toàn diện.

Các luật sư kiên quyết không đồng ý với phần tranh luận của VKS. Bởi xử phúc thẩm lần đầu, đại diện VKS quyết liệt bảo lưu quan điểm áp dụng thông tư 19. Sau khi bị huỷ án, điều tra lại thì tội danh và hành vi của các bị cáo cũng không thay đổi, nhưng hôm nay VKS lại nói không áp dụng thông tư 19.

Cuối giờ chiều nay, toà thông báo chiều mai (1-6) toà mới tuyên án.

Thẩm phán dự khuyết từng là Chánh án toà sơ thẩm

Trước đó, vào ngày 2-5, bức xúc về việc phiên tòa bị hoãn nhiều lần do cả ba thẩm phán trong HĐXX thay phiên nhau vắng mặt tại tòa (hai lần vì sức khỏe, một lần không rõ lý do) nên cả bốn LS đã yêu cầu Chánh án tỉnh A Brao Bim phải tổ chức cuộc họp khẩn cấp.

Tại buổi họp, các LS yêu cầu phải phân công thẩm phán dự khuyết.

Ngay sau đó Chánh án đã phân công thẩm phán Nguyễn Tiến Tăng (Phó Chánh án tỉnh, nguyên Chánh án TAND huyện Đắk Hà) làm thẩm phán dự khuyết và có thêm cả thư ký dự khuyết. Dù vậy tại phiên toà hôm nay, các thẩm phán trong HĐXX đã đủ sức khoẻ tham gia phiên toà đến cuối ngày.

Vụ cưa cây gỗ khô: Các thẩm phán đã hết bệnh  - ảnh 5
Ba Chánh án của ba huyện thuộc tỉnh Kon Tum được điều về TAND tỉnh xét xử phúc thẩm. Ảnh: NGÂN NGA

Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Phước (Nguyên Chánh án TAND tỉnh Khánh Hoà) cho biết thẩm phán dự khuyết từng là Chánh án của toà sơ thẩm và Kiểm sát viên giữ quyền công tố từng là KSV của VKS cấp sơ thẩm nhưng lại tham gia tố tụng ở phiên toà phúc thẩm thì cũng không ảnh hưởng gì tới vụ án. Luật chỉ cấm đối với trường hợp khi những người này từng xét xử ở sơ thẩm rồi lại tiếp tục xử phúc thẩm.

NGÂN NGA



Tin tức liên quan

  • Ma túy: nguyên nhân chính
  • 02/06/2018 09:09 GMT+7
  • TTO - Đó là đánh giá của đại tá Nguyễn Sỹ Quang - trưởng phòng tham mưu kiêm người phát ngôn của Công an TP.HCM - khi trao đổi với Tuổi Trẻ về tình hình tội phạm ở TP.HCM thời gian qua.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn