Vụ dành cả thanh xuân đi đòi đất: Thanh tra Chính phủ tiếp tục vào cuộc, gấp rút xử lý!

Thứ tư, 29/08/2018 - 11:05

Sau buổi tiếp xúc, chia sẻ với người phụ nữ dành cả tuổi thanh xuân đi đòi đất, Thanh tra Chính phủ tiếp tục mời bà Phượng và UBND TP.HCM đến làm việc nhằm giải quyết dứt điểm khiếu nại kéo dài mấy chục năm qua liên quan đến khu đất vàng tại quận Bình Tân.

Thắp lên niềm tin

Vụ dành cả thanh xuân đi đòi đất: Thanh tra Chính phủ tiếp tục vào cuộc, gấp rút xử lý! - Ảnh 1.

Bà Phượng đi bán vé số, sống lay lắt chờ ngày tìm lại được công lý.

Sáng 29/8, trao đổi với PV Dân trí, bà Lê Thị Hồng Phượng cho biết đã nhận được thư mời đến làm việc của Thanh tra Chính phủ (TTCP). "Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn. Cục Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 3(Cục III), Thanh tra Chính phủ, tổ chức buổi làm việc giữa người khiếu nại và Lê Thị Hồng Phượng, Đoàn kiểm tra liên ngành và UBND Thành phố Hồ Chí Minh. Cục Thanh tra kính mời bà Lê Thị Hồng Phượng tới làm việc để giải quyết khiếu nại liên quan đến quyền sử dụng đất tại phường An Lạc A, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh”, nội dung thư mời thể hiện.

Như Báo Dân trí đã phản ánh, trước giải phóng, gia đình bà Lê Thị Hồng Phượng sở hữu 16.000 m2 đất tại Bình Trị Đông, Bình Chánh. Do nằm ở vị trí đắc địa nên nằm 1974, gia đình bà san lấp mặt bằng, xây dựng hàng rào để chuẩn bị xây dựng dự án Khu thương xá. Đến ngày 30/4/1975 Sài Gòn được giải phóng, phần đất này được chính quyền mới tạm giữ nhưng không ra văn bản tịch thu hoặc cải tạo hoặc trưng thu sử dụng. Sau khi đất nước ổn định, từ năm 1978 gia đình bà Phượng liên tục khiếu nại đòi lại phần đất trên nhưng vụ việc này chưa được giải quyết dứt điểm.

Hơn 40 năm qua, bà Phượng đã hàng trăm lần vào Nam ra Bắc để mong cơ quan chức năng xử lý sự việc gia đình bị chiếm hơn 16.000m2 đất nhưng bất thành. Tuy nhiên, sau khi báo Dân trí phản ánh, TTCP đã tổ chức 2 buổi đối thoại với bà Phượng khiến bà có thêm động lực để đi tìm công lý.

Bà Phượng chia sẻ: "Cầm trên tay thư mời của TTCP hẹn ngày tới làm việc tôi lại rơi nước mắt vì xúc động. Bao nhiêu năm qua tôi đã chờ đợi những buổi làm việc, đối thoại như thế này để sự việc của gia đình nhanh chóng được giải quyết nhưng chỉ nhận được sự thờ ơ của các cấp chính quyền. Tuy vậy, 2 tháng nay TTCP đã lưu tâm đến sự việc của tôi khiến niềm tin trong tôi như được thắp lên một lần nữa. Tôi hy vọng sau buổi đối thoại này gia đình tôi sẽ đòi lại được phần diện tích gia đình đã bị chiếm giữ trái phép hơn 40 năm qua”.

Vụ dành cả thanh xuân đi đòi đất: Thanh tra Chính phủ tiếp tục vào cuộc, gấp rút xử lý! - Ảnh 2.

Hơn 40 năm qua, bà Phượng chịu đủ cay đắng, tủi nhục...nhưng bà vẫn kiên trì trên hành trình đòi đất.

Chia sẻ về nguyện vọng của gia đình, bà Phượng khẳng định: "Dù hơn 16.000m2 đất của gia đình bị chiếm giữ bởi ông Nguyễn Văn Nhờ và nhiều người khác nhưng tôi vẫn chỉ xin 47% đất mà Công ty Samco đang thuê với giá rẻ mạt. 53% đại gia đình ông Nhờ và người dân đang sử dụng tôi xin được hiếm tặng cho TP. Tôi chỉ mong đòi lại một phần đất của gia đình để mẹ con tôi có chỗ dung thân, sinh sống đúng kiếp con người trong phần đời còn lại”.

“Tôi đã từng chịu những nỗi đau, tủi nhục khi bị đẩy ra khỏi nhà nhiều lần nên tôi không muốn ai bị như vậy. Tôi mong TTCP lưu tâm đến nguyện vọng của gia đình tôi. Hơn 40 năm tôi đã nói quá nhiều với các cấp lãnh đạo rồi chứ không phải bây giờ mới nói", bà Phượng nói.

Lấy đất của dân chia cho cán bộ?

Vụ dành cả thanh xuân đi đòi đất: Thanh tra Chính phủ tiếp tục vào cuộc, gấp rút xử lý! - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban tiếp công dân Trung ương chia sẻ với những nỗi gian khó, uất ức của bà Phượng phải trải qua suốt 40 năm.

Như Dân trí đã thông tin, trước năm 1975 bà Lê Thị Hồng Phượng cùng gia đình mua hơn 16.000m2 đất mặt tiền trên đường Kinh Dương Vương tại huyện Bình Chánh (nay là quận Bình Tân). Sau giải phóng, phần diện tích trên bị chính quyền chiếm giữ mà không hề có quyết định thu hồi đất hay bất cứ văn bản nào.

Năm 1979, đất của bà Phượng được chia cho ông Nguyễn Văn Nhờ (tên thật Lâm Minh Dần). Không dừng lại ở đó, nhiều phần diện tích đất trên còn được chia cho hàng loạt con cháu của ông Nhờ, kể cả con nhỏ mới 4 tuổi. Tất cả giấy tờ trên được phân chia xong năm 1980 nhưng đến năm 2004 mới được xác nhận. Sau này, con cháu ông Nhờ cũng bán lại nhiều diện tích đất trên cho nhiều người khác.

Sau khi phân chia đất cho con cháu xong, ông Nhờ từ lãnh đạo Công an Bình Chánh được chuyển sang làm lãnh đạo BX Miền Tây (về sau là Công ty Cổ phần xe khách và Dịch vụ Miền Tây – thuộc Tổng Công ty Samco trực thuộc UBNDTPHCM). Từ đây, diện tích đất trên được cho thuê với giá "rẻ như bèo".

Cụ thể, lãnh đạo Công ty Samco cho thuê diện tích gần 10.000m2 với giá… 562 đồng/m2/tháng trong 46 năm. Với giá này, mỗi năm nhà nước thu về 66 triệu đồng và sau 46 năm thì thu về khoảng 3 tỉ đồng. Tuy vậy, khảo sát tại địa điểm trên, hiện giá thuê mỗi m2 đất dao động từ 400.000 - 500.000 đồng/tháng, cao hơn 700 lần so với giá Công ty Samco đang cho thuê.

Năm 1990, bà Phượng mua lại một mảnh đất trên diện tích của mình để ở và làm cơ sở khiếu nại đòi lại đất. Tuy vậy, khi bà Phượng vừa dựng căn nhà lên ở thì ông Nhờ cho người đến giật sập và đuổi mẹ con bà Phượng ra đường. Từ đó đến nay, bà Phượng đã gửi đơn cầu cứu đến các cơ quan từ TW đến địa phượng nhưng không được giải quyết.

Vụ dành cả thanh xuân đi đòi đất: Thanh tra Chính phủ tiếp tục vào cuộc, gấp rút xử lý! - Ảnh 4.

Văn phòng Chính phủ phát đi nhiều thông báo chỉ đạo giải quyết vụ việc nhưng đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa xử lý dứt điểm.

Gần 20 năm qua, đã có 5 văn bản của Thủ tướng/ Phó Thủ tướng Chính phủ nhắc nhở, đôn đốc giải quyết nhưng chưa được UBND TP. Hồ Chí Minh giải quyết thấu đáo. Cụ thể: Văn bản số 2254/VPCP.VII ngày 9/5/2003; văn bản số 4657/VPCP.VII ngày 24/8/2006; văn bản số 5712/VPCP – KNTN ngày 29/8/2008; văn bản số 2493/VPCP-KNTC ngày 17/4/2009 và mới đây nhất là văn bản 5892/VPCP-V.I ngày 7/6/2017.

Liên quan đến việc giải quyết khiếu nại của UBND TP.HCM, luật sư Hà Hải, Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng, UBND TP.HCM đã quá ưu ái cho ông Nguyễn Văn Nhờ (người bị bà Phượng khiếu nại) và đưa ra nhiều điểm bất lợi cho bà Phượng. “Diện tích 1.000m2 đất còn lại chỉ được tạm cấp để sản xuất nông nghiệp nhưng khi xét công nhận lại được coi là đất ở. Vì sao UBND TP.HCM lại cấp cho ông Nhờ 1.000m2 và còn cho mượn sử dụng thêm 1.000m2, điều này thật phi lý. Theo quy định của Luật đất đai, đất không tranh chấp mới được cấp GCNQSDĐ. Tuy vậy, thời điểm đó bà Phượng vẫn còn khiếu nại ông Nhờ, tại sao UBND lại có thể cấp GCNQSDĐ cho ông Nhờ được”, luật sư Hải nhấn mạnh.

Xuân Hinh - Trung Kiên



Tin tức liên quan

  • Cho ở tạm rồi bị chiếm đất, xây luôn nhà
  • 15/01/2021 08:43
  • Bị người khác chiếm dụng đất xây nhà ở, tòa án xử trả lại đất cho chủ đất nhưng người chiếm dụng vẫn ở. Gần 2 năm nay, chủ đất gặp nhiều rắc rối khi làm lại giấy tờ đất và đòi lại đất.

  • Vụ cụ bà 76 tuổi kêu cứu ở Long An: Nỗi buồn của người thắng kiện!
  • Thứ bảy, 21/07/2018 - 08:46
  • Dù được TAND tỉnh Long An tuyên thắng kiện và được bồi thường hơn 6,6 tỷ đồng nhưng cụ Ngọc vẫn không thể vui vì mất 15.000m2 đất và 10 năm kiện cáo. Điều đáng nói, giá thị trường của miếng đất ấy hiện vào khoảng 20 tỷ và số tiền được bồi thường kia sẽ “khó” đến với bà cụ.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn