Xét xử vụ án hủy hoại rừng: 2 vợ chồng đều kêu oan

Thứ Năm, ngày 27/9/2018 - 21:15

(PLO)- Bị cáo buộc gây thiệt hại về cây rừng là 360 triệu đồng, các bị cáo cho rằng chỉ chặt phát cây, thực bì để trồng cây keo chứ không có rừng tự nhiên, không thu lợi gỗ rừng.

Ngày 27- 8, TAND tỉnh Hà Tĩnh mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử vụ án hủy hoại rừng đối với bị cáo Phạm Lê Huân, Phan Thị Tâm (vợ ông Huân), Trần Văn Năng, Phạm Đình Cầu, Nguyễn Phi Trường và Phạm Thị Huyền (trú huyện Hương Khê, Hà Tĩnh). 

Xét xử vụ án hủy hoại rừng: 2 vợ chồng đều kêu oan  - ảnh 1
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm.

Điều tra viên vụ án, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh, Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Tiêm, kiểm lâm, UBND xã Phú Gia (huyện Hương Khê)...được triệu tập đến phiên tòa.

Đại diện VKSND tỉnh Hà Tĩnh đọc cáo trạng, cáo buộc vợ chồng Huân, Tâm thuê Năng, Cầu, Trường và Huyền phát thực bì tại rừng Kền Kền thuộc xã Phú Gia. Kết quả điều tra xác định trong hơn 23 ha rừng đã phát, chặt phá có 41.400 m2 rừng tự nhiên thuộc khoảnh 2 và 5a - tiểu khu 229, xã Phú Gia.

Khi bước vào xét hỏi, chủ tọa phiên tòa yêu cầu cách ly bị cáo Huân và Tâm ra ngoài.

Xét xử vụ án hủy hoại rừng: 2 vợ chồng đều kêu oan  - ảnh 2
Quang cảnh phiên tòa.

Các bị cáo Trần Văn Năng, Phạm Đình Cầu, Nguyễn Phi Trường và Phạm Thị Huyền, khai thừa nhận có hợp đồng làm thuê phát thực bì tại rừng Kền Kền thuộc xã Phú Gia cho ông Huân, bà Tâm để trồng rừng cây keo, chứ không phải "lâm tặc".

Các bị cáo khai, quá trình phát, chặt sạch các cây dại, các bị cáo Năng, Cầu, Trường và Huyền cũng như vợ chồng ông Huân, bà Tâm không thu lợi cây củi, không thu lợi cây gỗ nào.

Bị cáo Cầu và Năng khai có những cây rừng lớn tự nhiên thì chừa ra không chặt, sau đó có thể bị người dân vào khai thác, bởi sau khoảng tám tháng mới khám nghiệm hiện trường vụ án.

Bị cáo Năng, Trường khai cho rằng, Huân đi chỉ rừng cho các bị cáo, nhưng bị cáo Huân phủ nhận những lời khai này.

Bị cáo Huân cho rằng, khoảnh 2 và 5a - tiểu khu 229 không có rừng tự nhiên.

“Nếu có rừng bị cáo phải giữ rừng sao bị cáo chỉ đạo chặt phá rừng đi được. Mười năm nay, bị cáo đầu tư mà chưa thành rừng kể cả diện tích hơn 20 ha cây keo chưa thành rừng trồng. Do đó, phát thực bì để trồng rừng trở lại”- bị cáo Huân nói.

“Khu vực xác định có rừng tự nhiên đó, đến thời điểm đầu năm 2016 thì tình trạng rừng đó thế nào?”- chủ tọa phiên tòa hỏi. Bị cáo Huân trả lời: “Dạ, khu vực đó cây thưa thớt và trước đây có trồng một số cây keo rồi nhưng nó không thành rừng . Còn cái tường trình của bị cáo có mất rừng gửi cơ quan điều tra là ở chỗ khác, bị cáo có bản đồ đây”.

Xét xử vụ án hủy hoại rừng: 2 vợ chồng đều kêu oan  - ảnh 3
Rất đông người dân đến tham dự phiên tòa, Hội trường xét xử không đủ ghế cho người dân ngồi.

Bị cáo Huân cũng cho rằng, khu vực đó (nơi bị truy tố) chưa thành rừng tự nhiên, để thành rừng phải có quy chuẩn. Chủ tọa nói “quy chuẩn thì sẽ có cơ quan chuyên môn giải thích”.

Chủ tọa hỏi tiếp “theo như phản ánh 45 ha rừng tự nhiên bị cáo nói chưa thành rừng, bị cáo nói bị một số người lên chặt phá thì chặt phá cái gì đó?. Bị cáo Huân trả lời: “Không thành rừng, nhưng có một số cây bản địa sót lại bị họ chặt, nên bị cáo báo cơ quan chức năng”.

Chủa tọa phiên tòa hỏi quan điểm bị cáo Huân về việc cơ quan xác minh và định giá về khu vực rừng tự nhiên do chặt phá 41.400 m2  thiệt hại về rừng 360 triệu và về môi trường hơn một tỉ đồng.

Bị cáo Huân trả lời: “Bị cáo không thấy, không chứng kiến thiệt hại đó ạ. Nếu như có thiệt hại thì cái này bị cáo là người bị hại, của bị cáo bị mất, bởi nhà nước giao cho bị cáo, bị cáo giữ nguyên là không có rừng”.

Ngày mai (28-9), phiên Tòa tiếp tục phần xét hỏi và tranh luận.

Đ.LAM



Tin tức liên quan


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn