Ý kiến trái chiều về đề xuất cho phạm nhân lao động ngoài trại giam

Thứ năm, 4/4/2019, 23:54 (GMT+7)

Đại biểu Quốc hội lo lắng cho phạm nhân lao động ngoài trại giam dễ dẫn đến tiêu cực.

Ngày 4/4, thảo luận về quy định cho phạm nhân ra ngoài khu vực trại giam để lao động được nêu trong dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị bỏ nội dung này vì hình phạt tù trước hết phải có mục đích trừng trị, sau mới tới cải tạo và giáo dục. "Nếu được thông qua, chúng ta đã nhân đạo với tội phạm mà quên đi nỗi đau của nạn nhân", ông Nhưỡng nói.

Phạm nhân lao động tại trại giam Ngọc Lý (Bắc Giang). Ảnh:Phạm Dự.

Phạm nhân lao động tại trại giam Ngọc Lý (Bắc Giang). Ảnh:Phạm Dự.

Cùng quan điểm, ông Trần Văn Mão (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An) băn khoăn về tính khả thi và lo ngại phát sinh nhiều vấn đề trong quản lý. Theo ông, đi tù là hình phạt trừng trị và giáo dục với người phạm tội. Lao động là một biện pháp giáo dục chứ không phải nhằm tạo ra vật chất phục vụ đời sống của phạm nhân. Nếu tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài nơi giam giữ thì việc mang vật cấm như ma túy, điện thoại... sẽ khó quản lý. 

Việc Nhà nước trang bị máy móc phục vụ cho việc kiểm soát an ninh tại các cơ sở sản xuất liên kết với trại giam cho phạm nhân lao động là "khó khả thi" vì làm tăng chi phí đầu tư so với hiệu quả thu được. Nhưng kể cả khi được trang bị thì thực hiện vẫn khó. "Liệu có nên tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam không, phải cân nhắc thật kỹ", ông Mão trăn trở.

Nêu báo cáo của Bộ Công an rằng qua hoạt động thí điểm mới một người bỏ trốn trong số 7.000 phạm nhân được đi ra ngoài lao động, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh băn khoăn việc thí điểm trên được căn cứ vào đâu? Tổng kết cụ thể ra sao? "Người phạm tội bị trừng phạt bằng biện pháp cách ly với xã hội nhưng giờ cho họ hoà nhập theo cách khác thì pháp luật không còn nghiêm", bà nói.

"Chúng ta chỉ thấy con số phạm nhân trốn hay không trốn mà không biết về kết quả lao động của họ được sử dụng thế nào, có được trả xứng đáng không hay lợi dụng công sức họ để phục vụ lợi ích nhóm. Về quyền con người cần phải được xem xét", nữ đại biểu nêu ý kiến.

Nhiều đại biểu khác cũng quan ngại về quy định này khi đặt ra những câu hỏi: có nên quy định thời gian phạm nhân được đưa ra lao động ngoài trại giam là bao lâu không? Phạm nhân có được ngủ lại qua đêm ở nơi làm việc? Kết quả sản xuất tính, toán, sử dụng thế nào, có đảm bảo sự minh bạch? Nếu quy định chung chung như trong dự thảo sẽ khiến việc làm nhân văn này bị lợi dụng, dẫn đến tiêu cực khó lường.

Trái ngược với các ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Ủy ban Quốc phòng An ninh Quốc hội) nói: Đây là hình thức tổ chức lao động chứ không phải mô hình kinh tế, cũng không phải lợi ích nhóm. Nó còn là biện pháp giáo dục, góp phần tạo giá trị cho xã hội, giảm ngân sách.

"Các phạm nhân khi chúng tôi tiếp xúc hầu hết đều mong Quốc hội thông qua chính sách này. Tôi đề nghị Chính phủ có đánh giá tác động, xem phạm nhân nói gì để đưa vào chính sách cho yên tâm", ông Hồng phát biểu.

Giải trình với các đại biểu, Trung tướng Hồ Thanh Đình (Cục trưởng Cảnh sát quản lý trại giam cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng) cho rằng một số đại biểu hiểu chưa sâu, chưa đúng nên mới có băn khoăn. Cơ sở lao động ngoài trại giam không phải điểm làm kinh tế mà là nơi thực hành những lý thuyết đã học trong trại giam. 

Hình phạt tù trước tiên là để trừng trị, quản chế, sau đó mới cải tạo giáo dục. Kết quả lao động của phạm nhân, theo quy định được sử dụng như sau: 16% bổ sung suất ăn, 10% quỹ tái hòa nhập cộng đồng, 10% quỹ phúc lợi trại giam, 10% phục vụ dạy nghề ... 

"Tôi nói thế cho đại biểu yên tâm, chứ không phải cho họ làm để mình thu lợi kinh tế", ông Đình nói và khẳng định tất cả các phạm nhân đều bình đẳng, không có việc có người được chơi golf như đồn thổi.

Cuối buổi thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá đây là dự án luật quan trọng, có nhiều nội dung mới mà luật hiện hành chưa quy định. Vì có một số băn khoăn, chưa ủng hộ, ông đề nghị Bộ Công an có báo cáo việc thí điểm ở 45 trại giam để các đại biểu có đủ thông tin khi nghiên cứu, thảo luận.

Bảo Hà



Tin tức liên quan

  • Quà Tết đến sớm với con các phạm nhân nữ
  • Thứ tư, 17/01/2018 - 15:39
  • Những chiếc áo ấm, từng đôi giày hay phong bao lì xì được chiến sỹ cảnh sát trao tận tay cho các cháu nhỏ là con của phạm nhân nữ đang thụ án tại Trại giam số 6 - Bộ Công an.

  • Phạm nhân có quyền kết hôn, sinh con hay không?
  • Thứ Tư, ngày 7/11/2018 - 16:34
  • (PLO)- Một số ý kiến cho rằng quyền kết hôn, quyền sinh con, quyền được gửi, lưu giữ trứng, tinh trùng...  đối với người chấp hành án phạt tù còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng đáp ứng của Nhà nước. Do vậy, phải có bước đi phù hợp.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn