Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội đối với công an nhân dân được thực hiện như thế nào?

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 22/08/2017

Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội đối với công an nhân dân được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi tên là Phương Linh, sống tại Tp.HCM. Hiện nay tôi là công an nhân dân và tôi đang tìm hiểu về việc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Nhờ Ban biên tập giải đáp giúp tôi: Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội đối với công an nhân dân được thực hiện như thế nào? Văn bản nào quy định về vấn đề này? Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi xin chân thành cảm ơn Ban biên tập Thư Ký Luật. (0905***)           

    • Theo quy định tại Điều 17 Thông tư liên tịch 105/2016/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH ' onclick="vbclick('50C92', '197062');" target='_blank'>Điều 17 Thông tư liên tịch 105/2016/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị định 33/2016/NĐ-CP về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương đối với quân nhân do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Bộ Công an - Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành thì:

      Người lao động quy định tại Khoản 1, 2 Điều 2 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP, nếu không đủ điều kiện nghỉ hưu theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP hoặc nghỉ việc mà không hưởng bảo hiểm xã hội một lần quy định tại Điều 10 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP, thì được Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Bộ Công an hoặc Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác nhận, bảo lưu thời gian và mức đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 61 Luật Bảo hiểm xã hội, được thực hiện như sau:

      1. Trong thời gian bảo lưu, nếu tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội thì được cộng tiếp thời gian đóng bảo hiểm xã hội (bao gồm cả thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và thời gian đóng bảo hiểm tự nguyện) và được giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định đối với từng đối tượng tại thời điểm giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội.

      2. Trong thời gian bảo lưu, nếu có nguyện vọng được nhận bảo hiểm xã hội một lần thì bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố nơi người lao động cư trú hợp pháp căn cứ vào sổ bảo hiểm xã hội để chi trả bảo hiểm xã hội một lần.

      3. Người lao động có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên và trong thời gian bảo lưu không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội nữa, thì khi đủ tuổi đời quy định tại Điểm a hoặc Điểm b Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP được hưởng lương hưu hằng tháng, do bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố nơi cư trú hợp pháp giải quyết.

      4. Người lao động đã có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, trong thời gian bảo lưu không tiếp tục làm việc và không đóng bảo hiểm xã hội, nếu bị ốm đau, tai nạn rủi ro mà bị suy giảm khả năng lao động thì chủ động đi giám định y khoa về mức độ suy giảm khả năng lao động, nếu suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì:

      a) Trường hợp làm việc trong điều kiện lao động bình thường, nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi thì được hưởng chế độ hưu trí theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội. Thời điểm nhận lương hưu hằng tháng khi có đủ các yếu tố theo quy định về tuổi đời và từ ngày 01 tháng liền kề sau tháng có kết luận của Hội đồng Giám định y khoa.

      Ví dụ 46: Đồng chí Đại úy QNCN Trần Văn Sang, sinh ngày 10 tháng 5 năm 1966, nhập ngũ tháng 5 năm 1987, phục viên từ ngày 01 tháng 5 năm 2010 và đang bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội (thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là 23 năm). Ngày 05 tháng 6 năm 2016, Hội đồng Giám định y khoa kết luận đồng chí Sang bị suy giảm khả năng lao động 61%. Như vậy, thời điểm đồng chí Sang đủ điều kiện hưởng lương hưu từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.

      b) Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục nghề, công việc do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, thì được nghỉ hưu theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội, không phụ thuộc vào tuổi đời. Thời điểm nhận lương hưu hằng tháng từ ngày 01 tháng liền kề sau tháng có kết luận của Hội đồng Giám định y khoa.

      5. Trong thời gian bảo lưu mà bị chết thì thân nhân được hưởng chế độ tử tuất quy định tại Mục 4 Chương II Thông tư này, do bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố nơi cư trú hợp pháp giải quyết.

      6. Trong thời gian bảo lưu không được hưởng chế độ ốm đau, chế độ thai sản; trừ trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi theo quy định tại Khoản 4 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội.

      7. Các trường hợp đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, khi giải quyết chế độ hưu trí, bảo hiểm xã hội một lần thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được tính theo mức lương cơ sở tại thời điểm giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

      8. Người lao động đã nhận bảo hiểm xã hội một lần khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc về địa phương trong thời gian không quá một năm (12 tháng) kể từ ngày quyết định phục viên, xuất ngũ, thôi việc có hiệu lực thi hành, nếu có nguyện vọng bảo lưu thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội trước đó, thì phải hoàn trả quỹ bảo hiểm xã hội khoản bảo hiểm xã hội một lần đã nhận, cộng thêm khoản lãi suất đầu tư tăng trưởng quỹ bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 6 Quyết định số 60/2015/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý tài chính bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; nộp về tài khoản chuyên thu bảo hiểm xã hội của cơ quan bảo hiểm xã hội ra quyết định hưởng bảo hiểm xã hội một lần; cơ quan bảo hiểm xã hội đó có trách nhiệm xác nhận, bảo lưu thời gian và mức đóng bảo hiểm xã hội trước đó. Thời gian phục viên, xuất ngũ, thôi việc về địa phương không được tính là thời gian tham gia bảo hiểm xã hội.

      Ví dụ 47: Đồng chí Trung úy QNCN Lê Văn Sinh, nhập ngũ tháng 02/2003, nghề nghiệp lái xe quân sự; phục viên về địa phương từ ngày 01 tháng 6 năm 2015, thời gian công tác trong quân đội là 12 năm 04 tháng, đã hưởng bảo hiểm xã hội một lần từ nguồn quỹ bảo hiểm xã hội; tháng 3 năm 2016, đồng chí Sinh được tuyển dụng vào làm nhân viên lái xe, thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ; đồng chí Sinh có nguyện vọng nộp lại khoản tiền bảo hiểm xã hội một lần đã nhận (kèm theo khoản lãi suất tính đến thời điểm nộp tiền theo quy định) để bảo lưu thời gian đã tham gia bảo hiểm xã hội trước đó và được cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết theo quy định trên. Như vậy, thời gian tham gia bảo hiểm xã hội của đồng chí Sinh được tính từ tháng 02 năm 2003 đến tháng 5 năm 2015, cộng với thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội tại Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ từ tháng 3 năm 2016 trở đi; thời gian về địa phương từ tháng 6 năm 2015 đến tháng 02 năm 2016 không được tính là thời gian tham gia bảo hiểm xã hội.

      Trên đây là nội dung tư vấn về bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội đối với công an nhân dân. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư liên tịch 105/2016/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn