Chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ có thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi?

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 30/08/2016
Bạn Phạm Thị Thùy Dương, tạm trú tại khu Vườn Đào, Bãi Cháy, TP Hạ Long hỏi: Tôi và chị Thanh đang làm việc tại một doanh nghiệp ngoài Nhà nước từ tháng 4 năm 2012 theo HĐLĐ xác định thời hạn 36 tháng, đã được tham gia BHXH, BHYT, BHTN, hiện tôi đang trong thời gian nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, còn chị Thanh thì đang trong quá trình mang thai tháng thứ 5. Hiện nay, doanh nghiệp đang gặp khó khăn về kinh tế, muốn cắt giảm lao động nên đã đề nghị chấm dứt HĐLĐ với tôi và chị Thanh, doanh nghiệp hứa sẽ bồi thường cho mỗi lao động mỗi năm làm việc là 1 tháng tiền lương. Xin hỏi: HĐLĐ của tôi và chị Thanh có thể bị chấm dứt không ? Trong trường hợp HĐLĐ chấm dứt thì NLĐ sẽ được hưởng chế độ gì?
    • Trung tâm TVPL Công đoàn trả lời như sau:

      Thứ nhất: Tại khoản 3, Điều 39 và khoản 3, Điều 155 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định: Người sử dụng lao động (NSDLĐ) không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp NSDLĐ là cá nhân chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc NSDLĐ không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.

      Như vậy, căn cứ các quy định nói trên, doanh nghiệp không được sa thải hoặc đơn phương chấm HĐLĐ đối với bạn và chị Thanh. Nhưng cũng có thể bị chấm dứt HĐLĐ khi hết hạn HĐLĐ theo khoản 1, Điều 36 BLLĐ (trừ trường hợp NLĐ là cán bộ công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ công đoàn).

      Thứ hai: Tại khoản 3, Điều 36 BLLĐ quy định HĐLĐ được chấm dứt trong trường hợp: Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng. Nếu bạn vàchị Thanh đạt được thỏa thuận về việc chấm dứt HĐLĐ với doanh nghiệp, thì pháp luật công nhận sự thỏa thuận đó và HĐLĐ sẽ chấm dứt.

      Theo quy định tại khoản 1, 2, 3, Điều 48 BLLĐ: Khi HĐLĐ chấm dứt theo quy định của pháp luật thì NSDLĐ có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho NLĐ đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian NLĐ đã làm việc thực tế cho NSDLĐ trừ đi thời gian NLĐ đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật BHXH và thời gian làm việc đã được NSDLĐ chi trả trợ cấp thôi việc. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo HĐLĐ của 06 tháng liền kề trước khi NLĐ thôi việc.

      Trường hợp của bạn và chị Thanh đã tham gia Bảo hiểm thất nghiệp nên không được doanh nghiệp trả trợ cấp thôi việc. Thực tế, doanh nghiệp đã thỏa thuận bồi thường cho NLĐ mỗi năm làm việc là 1 tháng tiền lương là có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật.

      Theo các quy định tại khoản 2, 3, Điều 47 BLLĐ thì: Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày. NSDLĐ có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ BHXH và những giấy tờ khác mà NSDLĐ đã giữ lại của NLĐ.

      Sau khi HĐLĐ chấm dứt theo thỏa thuận, bạn và chị Thanh có thể đến Trung tâm Giới thiệu việc làm Quảng Ninh (ĐT 033.3812808) hoặc đại diện Bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh để đăng ký hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp khi có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 81, Luật BHXH 2006.

      Mọi liên hệ, xin được trao đổi qua điện thoại: 033.3829.961 - Trung tâm TVPL Công đoàn

      Đỗ Văn Khánh

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn