Chế độ, chính sách đối với sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân chuyển ngành

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 15/09/2017

Chế độ, chính sách đối với sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân chuyển ngành được quy định như thế nào? Chào các anh/chị trong Ban biên tập Thư Ký Luật. Hiện tôi đang muốn tìm hiểu những quy định của pháp luật về chế độ, chính sách đối với người làm việc trong tổ chức cơ yếu. Vì vậy, tôi có một thắc mắc mong nhận được sự giải đáp từ phía anh/chị trong Ban biên tập. Chế độ, chính sách đối với sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân chuyển ngành được quy định như thế nào? Văn bản nào quy định vấn đề này? Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập. Tôi xin chân thành cám ơn Ban biên tập Thư Ký Luật. Minh Nhựt (nhut9***@gmail.com)

    • Chế độ, chính sách đối với sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân chuyển ngành được quy định tại Mục III Thông tư liên tịch 01/2008/TTLT-BCA-BLĐTBXH-BTC-BNV hướng dẫn chế độ, chính sách đối với sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân nghỉ hưu, chuyển ngành, thôi phục vụ trong Công an nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân chuyển sang công nhân, viên chức Công an nhân dân do Bộ Công an - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính - Bộ Nội vụ ban hành như sau:

      1. Sĩ quan, hạ sĩ quan chuyển ngành sang làm việc trong biên chế tại các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hưởng lương từ ngân sách nhà nước (sau đây gọi tắt là cơ quan, đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước) và công ty nhà nước (công ty nhà nước là những công ty thuộc phạm vi áp dụng hệ thống thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp quy định tại Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ) được thực hiện các chế độ sau:

      1.1. Về miễn thi tuyển và ưu tiên trong thi tuyển

      a) Được miễn thi tuyển gồm các trường hợp:

      - Nguyên là cán bộ, công chức, viên chức nhà nước được chuyển về cơ quan, đơn vị, công ty nhà nước đã công tác trước khi được tuyển vào Công an nhân dân;

      - Chuyển ngành theo yêu cầu của cơ quan, đơn vị nhà nước có thẩm quyền, được sắp xếp làm việc phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ.

      b) Nếu tham dự thi tuyển công chức thì được ưu tiên cộng thêm 10 điểm vào tổng kết quả thi tuyển.

      1.2. Việc xếp lương, bảo lưu lương và hưởng lương của Sỹ quan, hạ sỹ quan chuyển ngành vào làm việc trong biên chế tại cơ quan, đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước, công ty nhà nước thực hiện theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 18 Nghị định số 43/2007/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể như sau:

      a) Sỹ quan, hạ sỹ quan chuyên ngành vào làm việc tại cơ quan, đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước, thực hiện xếp lương, bảo lưu lương và hưởng lương theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 06/2006/TTLT-BCA-BNV-BTC ngày 10/10/2006 của Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 289/2005/QĐ-TTg ngày 08/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ về tiền lương và phụ cấp đối với sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương thuộc Công an nhân dân chuyển ngành;

      b) Sỹ quan, hạ sỹ quan chuyển ngành vào làm việc trong công ty nhà nước được xếp lương theo công việc mới kể từ ngày có quyết định chuyển ngành theo nguyên tắc: làm công việc gì xếp lương theo công việc đó, giữ chức vụ gì xếp lương theo chức vụ đó. Cơ sở để xếp lương căn cứ vào công việc được giao; chức danh, tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật công nhân; chức danh tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ, hạng công ty được xếp hạng và thang lương, bảng lương công ty được áp dụng theo quy định tại Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004, Nghị định số 141/2007/NĐ-CP ngày 05/9/2007 của Chính phủ, cụ thể:

      - Nếu được bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý (Chủ tịch hội đồng quản trị, thành viên chuyên trách Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng) thì thực hiện chuyển xếp lương như đối với viên chức quản lý mới được bổ nhiệm trong công ty nhà nước theo quy định tại điểm d khoản 2 Mục III Thông tư liên tịch số 23/2005/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 31/8/2005 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và quy định tại điểm b khoản 1.2.1 Mục II Thông tư số 19/2007/TT-BLĐTBXH ngày 04/10/2007 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

      - Nếu làm công nhân, nhân viên trực tiếp hoặc phục vụ sản xuất, kinh doanh, viên chức chuyên môn, nghiệp vụ, nhân viên thừa hành, phục vụ thì thực hiện chuyển xếp lương như đối với người lao động ở khu vực khác chuyển đến làm việc ở công ty nhà nước quy định tại điểm b khoản 1.1 Mục II Thông tư số 19/2007/TT-BLĐTBXH ngày 04/10/2007 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

      c) Trường hợp hệ số lương mới được xếp thấp hơn hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) của sỹ quan, hạ sỹ quan hưởng trước khi chuyển ngành thì được bảo lưu hệ số chênh lệch giữa hệ số lương cũ với hệ số lương mới trong thời gian tối thiểu 18 tháng, kể từ ngày có quyết định chuyển ngành. Trong thời gian hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu, nếu được nâng bậc lương thì hệ số chênh lệch bảo lưu được giảm tương ứng; nếu hệ số lương được nâng bằng hoặc cao hơn hệ số lương trước khi chuyển ngành thì thôi hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu kể từ khi được nâng bậc lương.

      1.3. Trường hợp được điều động trở lại phục vụ trong Công an nhân dân thì thời gian công tác tại cơ quan, đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước ngoài Công an nhân dân được tính vào thời gian công tác liên tục để xét thăng cấp bậc hàm hoặc nâng lương.

      Ví dụ 3: Đồng chí Phạm Văn C, Trung tá, Phó trưởng Công an huyện, vào Công an nhân dân tháng 5/1980. Tháng 6/2002, đồng chí C có quyết định chuyển ngành sang UBND huyện. Tháng 7/2007, đồng chí C được điều động trở lại công tác trong Công an nhân dân giữ chức vụ Trưởng phòng Công an tỉnh T. Như vậy: Thời gian công tác tại UBND huyện (từ tháng 6/2002 đến tháng 6/2007) của đồng chí C được tính vào thời gian công tác liên tục, nếu đồng chí C đủ điều kiện và tiêu chuẩn theo quy định thì được xét thăng cấp bậc hàm Thượng tá.

      1.4. Cách tính lương hưu hàng tháng đối với sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân chuyển ngành thực hiện theo quy định tại khoản 7 Điều 34 Nghị định số 68/2007/NĐ-CP, cụ thể như sau:

      a) Được lấy mức bình quân tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tại thời điểm nghỉ hưu, cộng thêm khoản phụ cấp thâm niên nghề (nếu đã được hưởng) tính theo thời gian công tác trong Công an nhân dân của mức lương sĩ quan, hạ sỹ quan tại thời điểm chuyển ngành. Khi tính mức bình quân tiền lương này, được điều chỉnh theo chế độ tiền lương quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ và quy định về mức lương tối thiểu chung tại thời điểm hưởng lương hưu hoặc nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần.

      Ví dụ 4: Đồng chí Nguyễn Văn T, sinh tháng 9/1947, Đại úy, có 14 năm 10 tháng được tính thâm niên nghề, chuyển ngành được bố trí làm kiểm sát viên, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí từ tháng 01/10/2007; có tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 38 năm. Đồng chí T có diễn biến tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của 5 năm cuối như sau:

      - Từ tháng 10/2002 đến tháng 9/2005 = 36 tháng hệ số lương cũ 5,18 chuyển đổi sang hệ số lương mới là 6,44:

      450.000 đồng/tháng x 6,44 x 36 tháng = 104.328.000 đồng

      - Từ tháng 10/2005 đến tháng 9/2007 = 24 tháng hệ số lương mới 6,78:

      450.000 đồng/tháng x 6,78 x 24 tháng = 73.224.000 đồng

      - Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu:

      (104.328.000 đồng + 73.224.000 đồng)/ 60 tháng = 2.959.200 đồng/tháng

      - Phụ cấp thâm niên nghề của đồng chí T tại thời điểm chuyển ngành được cộng vào mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội làm cơ sở tính lương hưu như sau:

      Đại úy có hệ số lương (theo chế độ tiền lương tại thời điểm tháng 10/2007) bằng 5,40:

      450.000 đồng/tháng x 5,40 x 14% = 340.200 đồng/tháng

      - Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội làm cơ sở tính lương hưu của đồng chí T là:

      2.959.200 đồng/tháng + 340.200 đồng/tháng = 3.299.400 đồng/tháng

      - Lương hưu hằng tháng của đồng chí T là:

      3.299.400 đồng/tháng x 75% = 2.474.550 đồng/tháng.

      b) Trường hợp mức lương hưu tính theo tiết a điểm này thấp hơn mức lương hưu tính theo mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của sĩ quan, hạ sĩ quan tại thời điểm chuyển ngành, thì được lấy tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tại thời điểm chuyển ngành chuyển đổi theo chế độ tiền lương quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ và quy định về mức lương tối thiểu chung tại thời điểm nghỉ hưu để làm cơ sở tính lương hưu.

      Ví dụ 5: Đồng chí Lê Văn A, sinh tháng 4/1948, nguyên Thiếu tá, có 20 năm 7 tháng được tính thâm niên nghề, chuyển ngành tháng 8/1995 được bố trí làm Thẩm phán Tòa án huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Tháng 4/2008 nghỉ hưởng chế độ hưu trí. Đồng chí A có mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 5 năm cuối trước khi chuyển ngành và trước khi nghỉ hưu như sau:

      - Trước khi chuyển ngành:

      + Từ tháng 9/1990 đến tháng 7/1994 = 47 tháng, Đại úy, hệ số lương cũ 4,15 chuyển đổi hệ số lương mới 5,40; thâm niên nghề 19%:

      450.000 đồng/tháng x 5,40 x 1,19 x 47 tháng = 135.909.900 đồng

      + Từ tháng 8/1994 đến tháng 8/1995 = 13 tháng, Thiếu tá, hệ số lương cũ 4,80, chuyển đổi hệ số lương mới 6,0; thâm niên nghề 20%:

      450.000 đồng/tháng x 6,00 x 1,20 x 13 tháng = 42.120.000 đồng

      - Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội trước khi chuyển ngành:

      (135.909.900 đ/tháng + 42.120.000 đ/tháng)/ 60 tháng = 2.967.165 đồng/tháng

      - Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ hưu:

      + Mức bình quân lương tháng đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ hưu của đồng chí A là: 1.933.909 đồng/tháng.

      + Phụ cấp thâm niên nghề trước khi chuyển ngành, chuyển đổi theo chế độ tiền lương mới là:

      450.000 đồng/tháng x 6,0 x 20% = 540.000 đồng/tháng.

      Tổng cộng: 1.933.909 đồng/tháng + 540.000 đồng/tháng = 2.473.909 đồng/tháng.

      Như vậy, mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ tính lương hưu của đồng chí A tại thời điểm nghỉ hưu thấp hơn mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tại thời điểm chuyển ngành. Do đó, đồng chí A được lấy mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tại thời điểm chuyển ngành (2.967.165 đồng/tháng) làm cơ sở tính lương hưu.

      2. Sĩ quan, hạ sĩ quan chuyển sang làm việc tại các công ty, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị khác không hưởng lương từ ngân sách nhà nước (ngoài quy định tại khoản 1 Mục này), được hưởng các chế độ sau:

      2.1. Được hưởng trợ cấp xuất ngũ một lần từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Nghị định số 43/2007/NĐ-CP và hướng dẫn tại khoản 2 Mục IV Thông tư này.

      2.2. Được trợ cấp một lần từ nguồn quỹ bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 68/2007/NĐ-CP. Nếu tự nguyện không nhận trợ cấp từ quỹ bảo hiểm xã hội thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước khi chuyển ngành, được cơ quan Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân xác nhận trong sổ Bảo hiểm xã hội trước khi chuyển ra ngoài Công an nhân dân và được thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định tại Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc và quy định khác của pháp luật hiện hành.

      Trên đây là nội dung quy định về chế độ, chính sách đối với sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân chuyển ngành. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư liên tịch 01/2008/TTLT-BCA-BLĐTBXH-BTC-BNV.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn