Đang nghỉ do đặt vòng tránh thai thì có được hưởng chế độ ốm đau không?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 12/08/2022

Đang nghỉ do đặt vòng tránh thai thì có được hưởng chế độ ốm đau không? Thời gian giải quyết chế độ ốm đau là bao lâu?

Em vừa xin nghỉ tại công ty và hiện em đang trong thời kỳ nghỉ do đặt vòng tránh thai. Nghỉ được 3 hôm thì em bị ốm phải nằm viện 6 ngày. Vậy xin hỏi là em đang nghỉ do đặt vòng tránh thai thì có được hưởng chế độ ốm đau không? Thời gian giải quyết chế độ ốm đau là bao lâu?

Mong anh chị tư vấn. Em cảm ơn.

    • 1. Đang nghỉ do đặt vòng tránh thai thì có được hưởng chế độ ốm đau không?

      Tại Điều 37 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về thời gian hưởng chế độ khi thực hiện các biện pháp tránh thai, như sau:

      1. Khi thực hiện các biện pháp tránh thai thì người lao động được hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định như sau:

      a) 07 ngày đối với lao động nữ đặt vòng tránh thai;

      b) 15 ngày đối với người lao động thực hiện biện pháp triệt sản.

      2. Thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản 1 Điều này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

      Theo Điều 3 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định điều kiện hưởng chế độ ốm đau, theo đó:

      1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, đ khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 2 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP được hưởng chế độ ốm đau trong các trường hợp sau:

      a) Người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động hoặc điều trị thương tật, bệnh tật tái phát do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.

      b) Người lao động phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.

      c) Lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con mà thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này.

      2. Không giải quyết chế độ ốm đau đối với các trường hợp sau đây:

      a) Người lao động bị ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo Danh mục ban hành kèm theo Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ ban hành các danh mục chất ma túy và tiền chất và Nghị định số 126/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Danh mục các chất ma túy và tiền chất ban hành kèm theo Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ ban hành các danh mục chất ma túy và tiền chất.

      b) Người lao động nghỉ việc điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

      c) Người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động trong thời gian đang nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật lao động; nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

      Như vậy, bạn đang trong thời kỳ nghỉ do đặt vòng tránh thai. Nghỉ được 3 hôm thì bạn bị ốm phải nằm viện 6 ngày. Bạn đang trong thời gian nghỉ thai sản mà lại bị ốm đau nên bạn không được giải quyết cùng một lúc cả hai chế độ của bảo hiểm xã hội.

      2. Thời gian giải quyết chế độ ốm đau là bao lâu?

      Theo Điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, như sau:

      1. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 100, các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 101 của Luật này cho người sử dụng lao động.

      Trường hợp người lao động thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận nuôi con nuôi thì nộp hồ sơ quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 101 của Luật này và xuất trình sổ bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

      2. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ quy định tại Điều 100 và Điều 101 của Luật này nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

      3. Trách nhiệm giải quyết của cơ quan bảo hiểm xã hội:

      a) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người sử dụng lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động;

      b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người lao động thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận nuôi con nuôi, cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động.

      4. Trường hợp cơ quan bảo hiểm xã hội không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

      Theo đó, công ty bạn sẽ nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội để làm chế độ ốm đau cho bạn trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày bạn nộp đủ hồ sơ. Và sau khi cơ quan bảo hiểm xã hội nhận hồ sơ thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết hưởng chế độ ốm đau cho người lao động.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn