Đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi đậu công chức thì có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 24/12/2022

Đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi đậu công chức thì có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không? Công ty có phải đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động nước ngoài? Bị tai nạn, viết đơn nghỉ việc có được nhận bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm xã hội một lần?

    • Đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi đậu công chức thì có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không?

      Xin hỏi, trước đây tôi làm hợp đồng tại cơ quan nhà nước vì vậy tôi có đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định. Đến tháng 7/2021 thì tôi vào công chức nhà nước và từ đó không tham gia bảo hiểm thất nghiệp nữa. Đến tháng 02/2022 thì tôi nghỉ việc nhà nước và trên sổ bảo hiểm của tôi chốt thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 4 năm 10 tháng. Vậy, cho tôi hỏi trường hợp của tôi có được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp hay không? Xin cảm ơn.

      Trả lời:

      Căn cứ quy định tại Điều 49 Luật việc làm 2013 thì điều kiện đầu tiên để người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp là người lao động phải đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

      Cụ thể, theo quy định tại Khoản 4 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP thì người lao động được xác định là đang đóng bảo hiểm thất nghiệp khi thuộc một trong các trường hợp sau:

      - Người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp của tháng chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội;

      - Người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp của tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội;

      - Người lao động có tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc mà nghỉ việc do ốm đau, thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội;

      - Người lao động có tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc mà nghỉ việc không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng tại đơn vị và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội;

      - Người lao động có tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc mà tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng tại đơn vị và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội.

      Theo quy định này, chị là công chức nên không thuộc đối tượng đóng bảo hiểm thất nghiệp, mặc dù trước đây chị có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp và được bảo lưu, chưa hưởng nhưng ở thời điểm hiện tại, chị không được xác định là người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

      Do đó, chưa xét đến các điều kiện khác để được hưởng trợ cấp thất nghiệp thì chỉ với điều kiện trên, chị đã không đáp ứng được để hưởng ở thời điểm hiện tại.

      Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là thời gian chị đã đóng bảo hiểm thất nghiệp trước đó sẽ bị mất mà chị được bảo lưu thời gian đã đóng, sau này để được hưởng, chị phải đi làm, tiếp tục tham gia bảo hiểm thất nghiệp rồi khi nghỉ việc chị vẫn có thể được hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu đáp ứng các điều kiện.

      Thất nghiệp là gì? Cách phân loại và tác động của nó đến nền kinh tếHình từ Internet

      Công ty có phải đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động nước ngoài?

      Công ty mẹ của công ty chị sắp tới có sử dụng người lao động là người nước ngoài. Chị muốn hỏi các nghĩa vụ bảo hiểm cho người lao động nước ngoài công ty thực hiện có giống với người Việt hay không? Mình có phải đóng bảo hiểm thất nghiệp cho họ không?

      Trả lời:

      Theo quy định pháp luật hiện hành, trường hợp sử dụng người lao động là công dân Việt Nam, doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ tham gia các loại bảo hiểm cho người lao động với tỷ lệ đóng cụ thể như sau: Bảo hiểm xã hội (17%), bảo hiểm thất nghiệp (1%), bảo hiểm y tế (3%), bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (0,5%).

      Tuy nhiên, khi sử dụng lao động là người nước ngoài, doanh nghiệp không phải thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm thất nghiệp.

      Cụ thể, theo quy định tại Điều 43, Khoản 1 Điều 3 Luật việc làm 2013 thì người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp được xác định là người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc, đồng thời đang làm việc theo các loại hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc theo quy định của Bộ luật Lao động.

      Trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động quy định tại khoản này thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

      Như vậy, trường hợp doanh nghiệp bên chị sử dụng người lao động nước ngoài thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho những người lao động này. Ngoài ra, các chế độ bảo hiểm bắt buộc khác áp dụng tương tự đối với trường hợp sử dụng người lao động là công dân Việt Nam.

      Bị tai nạn, viết đơn nghỉ việc có được nhận bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm xã hội một lần?

      Cháu mình bị tai nạn giao thông không thể đi làm được nữa. Giờ viết đơn nghỉ việc. Vậy cháu mình có được lãnh bảo hiểm thất nghiệp và xã hội không ạ?

      Trả lời:

      Điều 49 Luật việc làm 2013 quy định:

      Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

      1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:

      a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;

      b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

      2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;

      3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này;

      4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:

      a) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;

      b) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;

      c) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

      d) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;

      đ) Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;

      e) Chết.

      Như vậy, đối chiếu thông tin bạn cung cấp nếu bạn làm đơn và công ty duyệt đơn thì bạn nghỉ việc đúng quy định, theo đó nếu đảm bảo về thời gian đóng BHTN cũng như các điều kiện khác đi kèm thì bạn đủ điều kiện để hưởng trợ cấp thất việc.

      Về bảo hiểm xã hội một lần: Đối với trường hợp nghỉ việc vì lý do tai nạn thì sau 1 năm nghỉ việc bạn có thể làm hồ sơ nhận bảo hiểm xã hội một lần.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn