Làm ở khoa truyền nhiễm thì có phải là công việc nặng nhọc độc hại không?

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 08/02/2017

Làm ở khoa truyền nhiễm thì có phải là công việc nặng nhọc độc hại không? Tôi là viên chức ngành y tế, công tác tại Khoa Truyền nhiễm bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh trên 15 năm, đóng BHXH trên 20 năm. Vậy làm việc tại Khoa truyền nhiễm có được quy định là làm công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm không? Tôi có được nghỉ hưu đúng tuổi khi đủ 55 tuổi đối với nam không? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!

    • Căn cứ Mục 8 Danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (loại VI, V) và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (loại IV) ban hành kèm theo Quyết định 1152/2003/QĐ-BLĐTBXH ngày 18/9/2003 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đối với công việc trực tiếp khám, điều trị, phục vụ bệnh nhân ở các khoa (phòng) khám bệnh, cấp cứu tổng hợp của bệnh viện thì được coi là công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Trong trường hợp bạn làm việc tại Khoa Truyền nhiễm bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh nếu trực tiếp khám, điều trị, phục vụ bệnh nhân thì được coi là công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, điều kiện lao động loại IV.

      Căn cứ Điều 54 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về điều kiện hưởng lương hưu như sau:

      1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

      a) Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi;

      b) Nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên;

      c) Người lao động từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò;

      d) Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.

      2. Người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

      a) Nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi, trừ trường hợp Luật sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, Luật công an nhân dân, Luật cơ yếu có quy định khác;

      b) Nam từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi, nữ từ đủ 45 tuổi đến đủ 50 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên;

      c) Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.

      3. Lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc mà có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và đủ 55 tuổi thì được hưởng lương hưu.

      4. Chính phủ quy định điều kiện về tuổi hưởng lương hưu đối với một số trường hợp đặc biệt; điều kiện hưởng lương hưu của các đối tượng quy định tại điểm c và điểm d khoản 1, điểm c khoản 2 Điều này."

      Như vậy, theo Điểm b Khoản 2 Điều 54 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về điều kiện hưởng lương hưu nêu trên thì nếu bạn thuộc đối tượng làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì được hưởng lương hưu khi từ đủ 50 tuổi đến 55 tuổi đối với nam, có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên.

      Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về công việc nặng nhọc độc hại. Bạn nên tham khảo chi tiết Quyết định 1152/2003/QĐ-BLĐTBXH để nắm rõ quy định này.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn