Quấy rối tình dục tại nơi làm việc bị xử phạt như nào?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 23/03/2022

Quấy rối tình dục tại nơi làm việc bị xử phạt như nào? Quấy rối tình dục tại nơi làm việc có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Em là nữ, gần đây ở công ty có một đồng nghiệp nam cứ tiếp cận và quấy rối em bằng lời lẽ nhạy cảm, mức xử phạt hành vi đó như thế nào?

    • Quấy rối tình dục tại nơi làm việc bị xử phạt như nào?
      (ảnh minh họa)
    • Quấy rối tình dục tại nơi làm việc bị xử phạt như nào?

      Căn cứ Điều 8 Bộ Luật lao động 2019 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động như sau:

      1. Phân biệt đối xử trong lao động.

      2. Ngược đãi người lao động, cưỡng bức lao động.

      3. Quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

      4. Lợi dụng danh nghĩa dạy nghề, tập nghề để trục lợi, bóc lột sức lao động hoặc lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người học nghề, người tập nghề vào hoạt động trái pháp luật.

      5. Sử dụng lao động chưa qua đào tạo hoặc chưa có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đối với nghề, công việc phải sử dụng lao động đã được đào tạo hoặc phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

      6. Lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo gian dối hoặc thủ đoạn khác để lừa gạt người lao động hoặc để tuyển dụng người lao động với mục đích mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc lợi dụng dịch vụ việc làm, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để thực hiện hành vi trái pháp luật.

      7. Sử dụng lao động chưa thành niên trái pháp luật.

      Bên cạnh đó, Điều 11 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về thực hiện hợp đồng lao động như sau:

      1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng không báo cho người lao động trước 03 ngày làm việc hoặc không thông báo hoặc thông báo không rõ thời hạn làm tạm thời hoặc bố trí công việc không phù hợp với sức khỏe, giới tính của người lao động.

      ...

      3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

      ...

      Căn cứ Điểm d Khoản 1 Điều 85 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định quấy rối tình dục tại nơi làm việc như sau:

      Hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với người thực hiện hành vi quấy rối tình dục hoặc người tố cáo sai sự thật tương ứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm;

      Như vậy, hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi bị cấm theo pháp luật. Theo đó người vi phạm hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử phạt từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn chịu xử lý kỷ luật lao động tương ứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.

      Quấy rối tình dục tại nơi làm việc có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

      Căn cứ Điều 84 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định quấy rối tình dục tại nơi làm việc như sau:

      1. Quấy rối tình dục quy định tại khoản 9 Điều 3 của Bộ luật Lao động có thể xảy ra dưới dạng trao đổi như đề nghị, yêu cầu, gợi ý, đe dọa, ép buộc đổi quan hệ tình dục lấy bất kỳ lợi ích nào liên quan đến công việc; hoặc những hành vi có tính chất tình dục không nhằm mục đích trao đổi, nhưng khiến môi trường làm việc trở nên khó chịu và bất an, gây tổn hại về thể chất, tinh thần, hiệu quả công việc và cuộc sống của người bị quấy rối.

      2. Quấy rối tình dục tại nơi làm việc bao gồm:

      a) Hành vi mang tính thể chất gồm hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục;

      b) Quấy rối tình dục bằng lời nói gồm lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục;

      c) Quấy rối tình dục phi lời nói gồm ngôn ngữ cơ thể; trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử.

      3. Nơi làm việc quy định tại khoản 9 Điều 3 của Bộ luật Lao động là bất cứ địa điểm nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động, bao gồm cả những địa điểm hay không gian có liên quan đến công việc như các hoạt động xã hội, hội thảo, tập huấn, chuyến đi công tác chính thức, bữa ăn, hội thoại trên điện thoại, các hoạt động giao tiếp qua phương tiện điện tử, phương tiện đi lại do người sử dụng lao động bố trí từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại, nơi ở do người sử dụng lao động cung cấp và địa điểm khác do người sử dụng lao động quy định.

      Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 không quy định cụ thể về xử lý hình sự đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Tuy nhiên, nếu chứng minh được hành vi quấy rối tình dục đã xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự người khác thì người thực hiện hành vi này có thể bị xử lý hình sự về Tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự, theo đó:

      1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

      2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

      a) Phạm tội 02 lần trở lên;

      b) Đối với 02 người trở lên;

      c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

      d) Đối với người đang thi hành công vụ;

      đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

      e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

      g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

      3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

      a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

      b) Làm nạn nhân tự sát.

      4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

      Trong trường hợp trên, hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc của đồng nghiệp nam sẽ bị xử phạt từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn chịu xử lý kỷ luật lao động tương ứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, nếu chứng minh được hành vi quấy rối tình dục đã xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của bạn thì người đó có thể bị xử lý hình sự về Tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn