Từ năm 2016, mức đóng bảo hiểm xã hội có thêm những khoản bổ sung nào?

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 30/08/2016
Từ năm 2016, mức đóng bảo hiểm xã hội có thêm những khoản bổ sung nào?
    • Cụ thể, theo quy định tại Khoản 2 Điều 89 Luật BHXH năm 2014; Điều 17 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, tiền lương tháng đóng BHXH đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại Khoản 2 Điều 89 của Luật BHXH được quy định như sau:

      - Từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/12/2017 là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động.

      - Từ ngày 1/1/2018 trở đi là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động.

      Các loại phụ cấp trên bao gồm: phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự.

      Đây chủ yếu là các khoản bù đắp về điều kiện lao động, tính chất phức tạp của công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ.

      [Từ năm 2016, mức đóng bảo hiểm xã hội có thêm những khoản bổ sung nào? - Ảnh 1]

      Từ năm 2016, mức đóng bảo hiểm xã hội có thêm những khoản bổ sung nào?

      Tiền đóng bảo hiểm xã hội không bao gồm các chế độ phúc lợi như tiền thưởng, thưởng sáng kiến, tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác trong hợp đồng lao động.

      Nếu người lao động ngừng việc mà vẫn được hưởng tiền lương thì người lao động và chủ doanh nghiệp phải đóng BHXH theo mức lương lao động hưởng trong thời gian trên. Quy định được áp dụng cho người lao động hưởng lương do doanh nghiệp quyết định, có hiệu lực từ ngày 15/2/2015. Đối với lao động hợp đồng từ 1 đến dưới 3 tháng, cách đóng này được áp dụng từ 1/1/2018.

      Đi làm việc ở nước ngoài: Phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc

      Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Đó là cán bộ xã không chuyên trách để thực hiện chế độ hưu trí và tử tuất; người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài dù không nhất thiết đã tham gia bảo hiểm xã hội trước khi đi. Riêng với nhóm người lao động theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) có thời hạn từ một đến tháng và lao động là người nước ngoài sẽ thực hiện từ năm 2018.

      Trước đó, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 đã quy định, người lao động đi làm ở nước ngoài tham gia BHXH bắt buộc nếu có tham gia bảo hiểm xã hội. Trong Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, họ vẫn thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc, nhóm này chỉ tham gia hai chế độ hưu trí và tử tuất, vì những chế độ ngắn hạn như tai nạn lao động, bảo hiểm y tế, ốm đau … đều đã hưởng ở nước tới làm việc.

      Thực tế, không phải tất cả các quốc gia Việt Nam gửi lao động đi làm việc đều có bảo hiểm xã hội. Lao động Việt Nam ra nước ngoài tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và ngược lại, người nước ngoài vào Việt Nam cũng vậy. Đây cũng là cơ hội cho người lao động ở bất kỳ quốc gia nào cũng có cơ hội đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu sau này. Lao động đi làm việc ở nước ngoài đóng bảo hiểm xã hội trên nền tiền lương với mức hai lần tiền lương cơ sở, không quá cao để gây khó khăn cho người lao động.

      Luật gia ĐỒNG XUÂN THUẬN

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn