Bồi thường thiệt hại khi sửa chữa nhà chung cư gây thấm dột cho nhà khác

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 13/12/2017

Bồi thường thiệt hại khi sửa chữa nhà chung cư gây thấm dột cho nhà khác được quy định như thế nào? Nhà tôi ở tầng 5, ở khu chung cư Mễ Trì Thượng thuộc quận Nam Từ Liêm. Hiện nay, căn hộ tầng trên nhà tôi sửa nhà. Do họ sửa nhà, làm đường nước không tốt đã ngấm nước xuống căn hộ nhà tôi và nước đã gây hư hỏng các đồ gỗ nhà tôi gồm sàn gỗ, tủ tường, tủ bếp, bong sơn tường...Tôi đã yêu cầu gia đình hàng xóm ngừng thi công để kiểm tra nhưng họ nói không phải do lỗi của việc sửa chữa, thi công này và gia đình họ nên họ vẫn tiếp tục thi công. Cho tôi hỏi việc tôi yêu cầu họ ngừng thi công có đúng theo quy định của pháp luật không? Tôi có thể yêu cầu cơ quan nào có thẩm quyền để yêu cầu đơn vị ngừng thi công. Gia đình hàng xóm đó phải bồi thường thiệt hại cho tôi như thế nào? Quang Trung (trung***@gmail.com)

    • Bồi thường thiệt hại khi sửa chữa nhà chung cư gây thấm dột cho nhà khác
      (ảnh minh họa)
    • Căn cứ theo quy định tại Điều 15 Nghị định 180/2007/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị như sau:

      “1. Trường hợp công trình xây dựng gây lún, nứt, thấm, dột hoặc có nguy cơ làm sụp đổ các công trình lân cận thì phải ngừng thi công xây dựng để thực hiện bồi thường thiệt hại:

      a) Việc bồi thường thiệt hại do chủ đầu tư và bên bị thiệt hại tự thỏa thuận; Trường hợp các bên không thoả thuận được thì bên thiệt hại có quyền khởi kiện đòi bồi thường tại toà án.

      b) Công trình chỉ được phép tiếp tục thi công xây dựng khi các bên đạt được thỏa thuận việc bồi thường thiệt hại.

      2. Trường hợp chủ đầu tư, nhà thầu thi công không thực hiện các quy định tại khoản 1, khoản 2 điều này phải bị đình chỉ thi công xây dựng, đồng thời, áp dụng biện pháp quy định tại điểm b, khoản 1, điều 12 Nghị định này cho đến khi chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng hoàn thành việc khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại.”

      Trong đó, Điểm b Khoản 1 Điều 12 Nghị định 180/2007/NĐ-CP “Trường hợp chủ đầu tư không ngừng thi công xây dựng phải bị đình chỉ thi công xây dựng, buộc phá dỡ công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng đô thị; đồng thời, áp dụng các biện pháp ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước và các dịch vụ khác liên quan đến xây dựng công trình; cấm các phương tiện vận tải chuyên chở vật tư, vật liệu, công nhân vào thi công xây dựng”.

      Như vậy, việc bạn yêu cầu gia đình hàng xóm ngừng thi công là đúng theo quy định của pháp luật nêu có căn cứ cho rằng việc thi công sửa chữa nhà hàng xóm gây thấm, ngấm nước, hư hỏng đến đồ đạc, tài sản của gia đình bạn. Bạn có thể yêu cầu Ban quản lý Tòa nhà hoặc UBND phường nơi gia đình bạn ở để yêu cầu gia đình hàng xóm ngừng thi công.

      Căn cứ theo Điều 605 Bộ Luật dân sự 2015 về bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra thì:

      "Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác.

      Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường."

      Như vậy, nếu xác định nguyên nhân đúng là nhà hàng xóm trong quá trình thi công, sửa chữa nhà gây ảnh hưởng, thiệt hại đến tài sản của gia đình bạn thì gia đình hàng xóm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình bạn.

      Về mức độ bồi thường thiệt hại: mức độ bồi thường thiệt hại do các bên thỏa thuận, căn cứ theo quy định của pháp luật và thiệt hại thực tế xảy ra, cụ thể gồm: mức thiệt hại thực tế đối với tài sản do việc thấm ngấm nước gây ra và các chi phí khác có liên quan.

      Các bên có thể tự xác định mức thiệt hại nếu không tự xác định được mức độ thiệt hại thì một trong hai bên có thể thuê cơ quan định giá để xác định mức thiệt hại cụ thể để làm căn cứ bồi thường. Công trình chỉ được phép tiếp tục thi công xây dựng khi các bên đạt được thỏa thuận việc bồi thường thiệt hại.

      Trên đây là nội dung tư vấn về việc bồi thường thiệt hại khi sửa chữa nhà chung cư gây thấm dột cho nhà khác. Để hiểu rõ về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 180/2007/NĐ-CP và Bộ Luật dân sự 2015.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn