Chuyển từ đất trồng lúa sang đất thổ cư có cần xin phép cơ quan nhà nước hay không?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 29/09/2022

Chuyển từ đất trồng lúa sang đất thổ cư có cần xin phép cơ quan nhà nước hay không? Cơ quan nào có thẩm quyền chuyển từ đất trồng lúa sang đất thổ cư? Thời hạn sử dụng đất khi chuyển từ trồng lúa sang đất thổ cư?

Chào anh chị, cho tôi hỏi nhà tôi có một mảnh đất trồng lúa, mỗi năm là 3 vụ. Nay con trai tôi vừa lấy vợ nên tôi muốn cất nhà cho con trên mảnh đất trồng lúa này. Anh chị cho tôi hỏi nếu tôi chuyển từ đất trồng lúa sang đất thổ cư để cất nhà thì có được hay không? 

Nhờ anh chị tư vấn, cảm ơn nah chị đã hỗ trợ.

    • Chuyển từ đất trồng lúa sang đất thổ cư có cần xin phép cơ quan nhà nước hay không?
      (ảnh minh họa)
    • 1. Chuyển từ đất trồng lúa sang đất thổ cư có cần xin phép cơ quan nhà nước hay không?

      Tại Điều 57 Luật đất đai 2013 có quy định về các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền như sau:

      1. Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm:a) Chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối;

      b) Chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản nước mặn, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ, đầm;

      c) Chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp;

      d) Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp;

      đ) Chuyển đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất;

      e) Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở;

      g) Chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ; chuyển đất thương mại, dịch vụ, đất xây dựng công trình sự nghiệp sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp.

      2. Khi chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 Điều này thì người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; chế độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất được áp dụng theo loại đất sau khi được chuyển mục đích sử dụng.

      Tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 10 Luật đất đai 2013 có quy định về phân loại đất như sau:

      1. Nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:

      a) Đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác;

      b) Đất trồng cây lâu năm;

      c) Đất rừng sản xuất;

      d) Đất rừng phòng hộ;

      đ) Đất rừng đặc dụng;

      e) Đất nuôi trồng thủy sản;

      g) Đất làm muối;

      h) Đất nông nghiệp khác gồm đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất; xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm; đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh;

      2. Nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:

      a) Đất ở gồm đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị;

      b) Đất xây dựng trụ sở cơ quan;

      c) Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh;

      d) Đất xây dựng công trình sự nghiệp gồm đất xây dựng trụ sở của tổ chức sự nghiệp; đất xây dựng cơ sở văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ, ngoại giao và công trình sự nghiệp khác;

      đ) Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp gồm đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất; đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm;

      ...

      Căn cứ theo quy định hiện hành, trong trường hợp bạn có mong muốn chuyển từ đất trồng lúa (đất nông nghiệp) sang đất thổ cư (là đất ở nông thôn, thuộc nhóm đất phi nông nghiệp) thì cần phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

      2. Cơ quan nào có thẩm quyền chuyển từ đất trồng lúa sang đất thổ cư?

      Tại Điều 59 Luật đất đai 2013 có quy định về thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất như sau:

      1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong các trường hợp sau đây:

      a) Giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với tổ chức;

      b) Giao đất đối với cơ sở tôn giáo;

      c) Giao đất đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại khoản 3 Điều 55 của Luật này;

      d) Cho thuê đất đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 56 của Luật này;

      đ) Cho thuê đất đối với tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao.

      2. Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong các trường hợp sau đây:

      a) Giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân. Trường hợp cho hộ gia đình, cá nhân thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ với diện tích từ 0,5 héc ta trở lên thì phải có văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước khi quyết định;

      b) Giao đất đối với cộng đồng dân cư.

      ...

      Theo đó, trong trường hợp của bạn thì Ủy ban nhân dân cấp huyện sẽ có thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng lúa sang đất thổ cư.

      3. Thời hạn sử dụng đất khi chuyển từ trồng lúa sang đất thổ cư?

      Tại Khoản 1 Điều 127 Luật đất đai 2013 có quy định về thời hạn sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất như sau:

      1. Thời hạn sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân khi chuyển mục đích sử dụng đất được quy định như sau:

      a) Trường hợp chuyển đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang sử dụng vào mục đích khác thì thời hạn được xác định theo thời hạn của loại đất sau khi được chuyển mục đích sử dụng. Thời hạn sử dụng đất được tính từ thời điểm có quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất;

      b) Trường hợp chuyển đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối sang trồng rừng phòng hộ, trồng rừng đặc dụng thì hộ gia đình, cá nhân được sử dụng đất ổn định lâu dài;

      c) Trường hợp chuyển mục đích sử dụng giữa các loại đất bao gồm đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối thì hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất được tiếp tục sử dụng đất đó theo thời hạn đã được giao, cho thuê.

      Khi hết thời hạn, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất được Nhà nước xem xét gia hạn sử dụng đất nhưng không quá thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 126 của Luật này nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng;

      d) Trường hợp chuyển đất nông nghiệp sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp thì thời hạn sử dụng đất được xác định theo thời hạn của loại đất sau khi được chuyển mục đích sử dụng. Thời hạn sử dụng đất được tính từ thời điểm có quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất;

      đ) Trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ đất phi nông nghiệp sử dụng ổn định lâu dài sang đất phi nông nghiệp sử dụng có thời hạn hoặc từ đất phi nông nghiệp sử dụng có thời hạn sang đất phi nông nghiệp sử dụng ổn định lâu dài thì hộ gia đình, cá nhân được sử dụng đất ổn định lâu dài.

      Như vậy, trường hợp chuyển từ trồng lúa sang đất thổ cư thì thời hạn sử dụng đất được xác định theo thời hạn của loại đất sau khi được chuyển mục đích sử dụng.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn