Có phải công chứng văn bản đồng ý bán đất hộ gia đình?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 01/09/2022

Có phải công chứng văn bản đồng ý bán đất hộ gia đình? Đính chính thông tin trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ hộ gia đình thành tên vợ chồng như thế nào? Làm thế nào để sang tên sổ đỏ hộ gia đình khi có người không đồng ý?

    • Có phải công chứng văn bản đồng ý bán đất hộ gia đình?
      (ảnh minh họa)
    • Có phải công chứng văn bản đồng ý bán đất hộ gia đình?

      Đất của gia đình tôi được cấp chung cho cả hộ. Bây giờ chúng tôi có nguyện vọng bán đất thì bên cán bộ bảo chúng tôi phải ký bản đồng ý bán đất tất cả mọi người đều ký vào. Vậy bản đồng ý đó chúng tôi có phải công chứng, chứng thực hay không?

      Trả lời:

      Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 64 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, được hướng dẫn bởi Khoản 5 Điều 14 Thông tư 02/2015/TT-BTNMT thì:

      Hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình phải được người có tên trên Giấy chứng nhận hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự ký tên.

      Theo đó, người có tên trên Giấy chứng nhận hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự chỉ được thực hiện việc ký hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất khi đã được các thành viên trong hộ gia đình sử dụng đất đồng ý bằng văn bản và văn bản đó đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật.

      Theo thông tin bạn cung cấp thì quyền sử dụng đất được cấp cho hộ gia đình. Do vậy, khi bán đất của hộ gia đình, phải có sự đồng ý bằng văn bản của tất cả các thành viên hộ gia đình và văn bản đồng ý bắt buộc công chứng hoặc chứng thực.

      Bạn căn cứ quy định này để thực hiện đúng các thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình.

      Đính chính thông tin trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ hộ gia đình thành tên vợ chồng

      Năm 1999 vợ chồng tôi nhận chuyển nhượng QSDĐ, có Hợp Đồng Chuyển Nhượng ghi tên cả 2 vợ chồng tôi và được UBND Tỉnh Sóc trăng cấp Giấy chứng nhận QSDĐ là Hộ ông Hồ Văn Bình. Nay tôi xin đổi lại chủ quyền đất đứng tên 2 vợ chồng thì Văn phòng Nhà đất nói là theo Công văn số 603/STNMT.PVĐK ngày 16/5/2016 của Sở TNMT tỉnh Sóc Trăng, thì vợ chồng tôi phải có văn bản có công chứng hoặc chứng thực của các thành viên trong hộ khẩu gia đình từ 15 tuổi trở lên chấp thuận , lý do trong Giấy chủ quyền đất ghi là Hộ. Trong khi lúc vợ chồng tôi mua các con tôi mới có 3,4 tuổi và hợp đồng chỉ có 2 vợ chồng tôi ký tên. Xin hỏi yêu cầu trên có đúng không?

      Trả lời:

      Trong câu hỏi không nêu rõ việc ghi tên cả hai vợ chồng trên giấy chứng nhận là đứng tên bên nhận chuyển nhượng hay là đại diện cho hộ gia đình đứng tên bên nhận chuyển nhượng nên Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa đủ cơ sở để trả lời cụ thể. Tuy nhiên trường hợp tại thời điểm nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà xác định được là tài sản riêng của 2 vợ chồng thì ông/bà có thể đề nghị Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện thủ tục đính chính về thông tin trên giấy chứng nhận đã cấp. Trường hợp xác định là tài sản chung của hộ gia đình thì việc Văn phòng Nhà đất trả lời như trong câu hỏi đã nêu là phù hợp với quy định của pháp luật.

      Làm thế nào để sang tên sổ đỏ hộ gia đình khi có người không đồng ý?

      Sổ đỏ nhà tôi được cấp cho hộ gia đình do mẹ tôi là đại diện đứng tên. Nay mẹ tôi muốn sang tên sổ đỏ cho tôi nhưng một người còn lại không đồng ý. Vậy cho hỏi: Làm thế nào để sang tên sổ đỏ hộ gia đình khi có người không đồng ý? Cảm ơn!

      Trả lời:

      Điều 64 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định:

      1. Hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình phải được người có tên trên Giấy chứng nhận hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự ký tên.

      2. Hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của nhóm người sử dụng đất, nhóm chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất phải được tất cả các thành viên trong nhóm ký tên hoặc có văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự, trừ trường hợp các chủ sở hữu căn hộ cùng sử dụng chung thửa đất trong nhà chung cư.

      Khoản 5 Điều 14 Thông tư 02/2015/TT-BTNMT cũng có quy định:

      Người có tên trên Giấy chứng nhận hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự quy định tại Khoản 1 Điều 64 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP chỉ được thực hiện việc ký hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất khi đã được các thành viên trong hộ gia đình sử dụng đất đồng ý bằng văn bản và văn bản đó đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật.

      Như vậy, theo quy định trên thì việc sang tên đất của hộ gia đình phải được các thành viên trong hộ gia đình sử dụng đất đồng ý bằng văn bản và văn bản đó đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định pháp luật thì mới có giá trị. Vì vậy, trong trường hợp này mẹ bạn không thể một mình định đoạt tài sản chung của hộ. Gia đình bạn nên thỏa thuận thống nhất lại với nhau để tất cả các thành viên cùng đồng ý với việc sang tên này.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn