Đất đang được thế chấp tại ngân hàng có được phép bán không?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 06/12/2022

Đất đang được thế chấp tại ngân hàng có được phép bán không? Người thế chấp không trả được nợ thì ngân hàng có được phép bán đấu giá đất đang thế chấp không? Cá nhân muốn thế chấp quyền sử dụng đất phải đáp ứng những điều kiện gì?

Chào ban biên tập, tôi có một mảnh đất ở quê, lúc trước do cần vốn nên tôi đã thế chấp tại ngân hàng để lấy tiền đầu tư. Đến nay việc làm ăn thua lỗ nên tôi mất khả năng chi trả tiền vay ngân hàng. Ban biên tập cho tôi hỏi, tôi có được bán mảnh đất tôi đang thuế chấp để lấy tiền trả nợ ngân hàng được không?

Mong ban biên tập trả lời giúp tôi, tôi cảm ơn.

    • Đất đang được thế chấp tại ngân hàng có được phép bán không?
      (ảnh minh họa)
    • 1. Đất đang được thế chấp tại ngân hàng có được phép bán không?

      Tại Điều 320 Bộ luật dân sự 2015 quy định nghĩa vụ của bên thế chấp của bên thế chấp như sau:

      1. Giao giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp luật có quy định khác.

      2. Bảo quản, giữ gìn tài sản thế chấp.

      3. Áp dụng các biện pháp cần thiết để khắc phục, kể cả phải ngừng việc khai thác công dụng tài sản thế chấp nếu do việc khai thác đó mà tài sản thế chấp có nguy cơ mất giá trị hoặc giảm sút giá trị.

      4. Khi tài sản thế chấp bị hư hỏng thì trong một thời gian hợp lý bên thế chấp phải sửa chữa hoặc thay thế bằng tài sản khác có giá trị tương đương, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

      5. Cung cấp thông tin về thực trạng tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp.

      6. Giao tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp để xử lý khi thuộc một trong các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm quy định tại Điều 299 của Bộ luật này.

      7. Thông báo cho bên nhận thế chấp về các quyền của người thứ ba đối với tài sản thế chấp, nếu có; trường hợp không thông báo thì bên nhận thế chấp có quyền hủy hợp đồng thế chấp tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc duy trì hợp đồng và chấp nhận quyền của người thứ ba đối với tài sản thế chấp.

      8. Không được bán, thay thế, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 321 của Bộ luật này.

      Tại Khoản 5 Điều 321 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:

      5. Được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nếu được bên nhận thế chấp đồng ý hoặc theo quy định của luật.

      Như vậy, theo quy định của pháp luật thì đất đang được thế chấp tại ngân hàng thì bạn không được phép bán, trường hợp nếu ngân hàng đồng ý để bạn thực hiện giao dịch bán thì bạn mới được phép bán mảnh đất đó.

      2. Người thế chấp không trả được nợ thì ngân hàng có được phép bán đấu giá đất đang thế chấp không?

      Tại Điều 323 Bộ luật dân sự 2015 quy định quyền của bên nhận thế chấp như sau:

      1. Xem xét, kiểm tra trực tiếp tài sản thế chấp, nhưng không được cản trở hoặc gây khó khăn cho việc hình thành, sử dụng, khai thác tài sản thế chấp.

      2. Yêu cầu bên thế chấp phải cung cấp thông tin về thực trạng tài sản thế chấp.

      3. Yêu cầu bên thế chấp áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo toàn tài sản, giá trị tài sản trong trường hợp có nguy cơ làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị của tài sản do việc khai thác, sử dụng.

      4. Thực hiện việc đăng ký thế chấp theo quy định của pháp luật.

      5. Yêu cầu bên thế chấp hoặc người thứ ba giữ tài sản thế chấp giao tài sản đó cho mình để xử lý khi bên thế chấp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

      6. Giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp luật có quy định khác.

      7. Xử lý tài sản thế chấp khi thuộc trường hợp quy định tại Điều 299 của Bộ luật này.

      Tại Điều 299 Bộ luật dân sự 2015 quy định ác trường hợp xử lý tài sản bảo đảm như sau:

      1. Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

      2. Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật.

      3. Trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc luật có quy định.

      Tại Khoản 1 Điều 303 Bộ luật dân sự 2015 quy định phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp như sau:

      1. Bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận một trong các phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau đây:

      a) Bán đấu giá tài sản;

      b) Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản;

      c) Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm;

      d) Phương thức khác.

      Theo như quy định nêu trên, trường hợp người thế chấp không trả được nợ thì ngân hàng có quyền bán đấu giá tài sản đã nhận thế chấp để thu hồi nợ của khoản vay theo đúng quy định của pháp luật.

      3. Cá nhân muốn thế chấp quyền sử dụng đất phải đáp ứng những điều kiện gì?

      Tại Điều 188 Luật đất đai 2013 quy định điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất như sau:

      1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

      a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;

      b) Đất không có tranh chấp;

      c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

      d) Trong thời hạn sử dụng đất.

      2. Ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng đất khi thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; quyền thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất còn phải có đủ điều kiện theo quy định tại các điều 189, 190, 191, 192, 193 và 194 của Luật này.

      3. Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.

      Trên đây là các điều kiện mà cá nhân phải đáp ứng đầy đủ khi muốn thế chấp quyền sử dụng đất tại các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn