Định giá tài sản góp vốn là bất động sản

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 20/05/2019

Chào anh chị! Tôi có thắc mắc rất mong nhận được giải đáp tư vấn từ anh chị. Tôi và 2 người bạn thành lập công ty cổ phần. Bạn tôi góp vốn là một căn nhà và quyền sử dụng đất, được định giá là 2 tỷ, mặc dù giá trên thị trường bây giờ tầm 800 triệu đồng. Lý do của việc định giá như vậy là sắp tới, khu đất đó sẽ được quy hoạch và nhà bạn tôi sẽ trở thành nhà mặt tiền do con đường trước nhà mở rộng. Vậy anh chị cho tôi hỏi việc góp vốn và định giá như vậy có đúng luật không ạ? Kính chúc anh chị sức khỏe và trân trọng cảm ơn!

    • - Thứ nhất là việc góp vốn: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 35 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về tài sản góp vốn như sau:

      Tài sản góp vốn có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.

      Như vậy, giá trị quyền sử dụng đất cũng là một đối tượng để góp vốn. Do đó, việc người bạn của bạn góp vốn bằng căn nhà và quyền sử dụng đất là hoàn toàn hợp lệ.

      - Thứ hai là định giá tài sản góp vốn: Khoản 2 Điều 37 Luật Doanh nghiệp 2014 cũng quy định về việc định giá tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp như sau:

      Tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc nhất trí hoặc do một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được đa số các thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận.

      Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn thì các thành viên, cổ đông sáng lập cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.

      Như vậy, việc định giá tài sản góp vốn có thể do bạn và 2 người bạn còn lại định giá theo nguyên tắc nhất trí hoặc có thể thuê một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp và kết quả do tổ chức này đưa ra phải được cả 3 người đồng ý. Do đó, việc định giá dựa trên sự thỏa thuận và thống nhất ý kiến của các thành viên, cổ đông sáng lập nên trong trường hợp bạn nêu ra là hợp lệ. Tuy nhiên, bạn cần phải lưu ý rằng,vì giá trị định giá căn nhà đó mà cao hơn giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn thì 3 bạn phải cùng liên đới góp thêm số tiền chênh lệch là 1 tỷ 200 triệu đồng. Như vậy, bạn nên tìm hiểu kỹ và chắc chắn về thông tin quy hoạch, đồng thời có sự thỏa thuận với 2 người bạn còn lại về trách nhiệm góp thêm số tiền chênh lệch.

      Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về thắc mắc của bạn.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn