Giáo viên công tác tại khu vực nông thôn đã có nhà thuê thêm nhà ở công vụ được không? Cơ quan nào đại diện sở hữu nhà ở công vụ?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 07/04/2022

Giáo viên công tác tại khu vực nông thôn đã có nhà rồi có thể thuê thêm nhà ở xã hội? Cơ quan nào đại diện sở hữu nhà ở công vụ? Tôi là giáo viên trường cấp 03 được chuyển công tác đến vùng đặc biệt khó khăn tôi đã có nhà tại đây nhưng tôi nghĩ mình thuộc diện được ở nhà công vụ. Vậy thi tôi vẫn được thuê nhà công vụ để ở đúng không? Ngoài ra tôi còn muốn biết là theo quy định thì cơ quan nào sẽ quản lý đại diện sở hữu nhà ở công vụ?

    • Giáo viên công tác tại khu vực nông thôn đã có nhà rồi có thể thuê thêm nhà ở công vụ?

      Căn cứ theo Điều 32 Luật Nhà ở 2014 quy định về đối tượng và điều kiện được thuê nhà ở công vụ như sau:

      1. Đối tượng được thuê nhà ở công vụ bao gồm:

      a) Cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước thuộc diện ở nhà công vụ trong thời gian đảm nhận chức vụ;

      b) Cán bộ, công chức thuộc các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội không thuộc diện quy định tại điểm a khoản này được điều động, luân chuyển đến công tác tại cơ quan trung ương giữ chức vụ từ cấp Thứ trưởng và tương đương trở lên; được điều động, luân chuyển đến công tác tại địa phương giữ chức vụ từ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Giám đốc Sở và tương đương trở lên;

      c) Cán bộ, công chức thuộc các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội không thuộc diện quy định tại điểm b khoản này được điều động, luân chuyển đến công tác tại xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo;

      d) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân được điều động, luân chuyển theo yêu cầu quốc phòng, an ninh, trừ đối tượng mà pháp luật quy định phải ở trong doanh trại của lực lượng vũ trang;

      đ) Giáo viên đến công tác tại khu vực nông thôn, xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo;

      e) Bác sĩ, nhân viên y tế đến công tác tại khu vực nông thôn, xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo;

      g) Nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đặc biệt quan trọng theo quy định của Luật khoa học và công nghệ.

      2. Điều kiện được thuê nhà ở công vụ được quy định như sau:

      a) Đối với đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này thì được bố trí nhà ở công vụ theo yêu cầu an ninh;

      b) Đối với đối tượng quy định tại các điểm b, c, d, đ, e và g khoản 1 Điều này thì phải thuộc diện chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình và chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội tại địa phương nơi đến công tác hoặc đã có nhà ở thuộc sở hữu của mình tại nơi đến công tác nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ và từng khu vực khác nhau.

      Như vậy, mặc dù thuộc trường hợp được thuê nhà ở công vụ. Tuy nhiên, đối với điều kiện thuê nhà ở công vụ thì bạn không đáp ứng được bởi hiện bạn vẫn đang có nhà thuộc sở hữu của mình. Do đó, bạn chỉ có thể mua nhà, thuê nhà khi không có nhà thuộc sở hữu của mình và chưa mua, thuê được tại đia phương nơi công tác.

      Nguyên tắc xác định gía thuê nhà ở công vụ quy định thế nào?

      Cơ quan nào đại diện sở hữu nhà ở công vụ?

      Căn cứ theo Điều 81 Luật Nhà ở 2014 cũng quy định về việc quản lý, sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước như sau:

      1. Nhà ở thuộc sở hữu nhà nước phải được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí; việc bán, cho thuê, cho thuê mua, thu hồi nhà ở và quản lý, sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước phải thực hiện theo đúng quy định của Luật này.

      2. Cơ quan sau đây là đại diện chủ sở hữu và có trách nhiệm quản lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước:

      a) Bộ Xây dựng quản lý nhà ở công vụ, nhà ở xã hội được đầu tư bằng nguồn vốn trung ương; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý nhà ở do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đầu tư;

      b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà ở được đầu tư bằng nguồn vốn của địa phương và nhà ở được giao quản lý trên địa bàn.

      Theo đó, để quản lý nhà ở công vụ được giao cho các cơ quan được quy định như trên.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn