Người dân phải đóng tiền bảo trì chung cư là đúng hay sai?

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 20/04/2019

 Tôi mua nhà chung cư trong thành phố Hồ Chí Minh để tiện cho việc sinh sống và học tập của con gái. Nhưng hằng năm con gái tôi vẫn phải đóng tiền bảo trì chung cư cho ban quản lý nhà chung cư trong khi tiền này phải do chủ đầu tư đóng (theo như tôi biết là như vậy). Vậy cho tôi hỏi, việc con gái tôi phải đóng tiền bảo trì hằng năm như vậy là đúng hay sai?

    • Theo quy định tại Luật Nhà ở 2014 thì nhà chung cư là nhà có từ 2 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, bao gồm nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và kinh doanh.

      Trong quá trình sử dụng, nhà chúng cư phải được bảo trì để đảm bảo sự an toàn cho các cư dân sinh sống trong cùng tòa nhà chung cư theo quy định của pháp luật.

      Trong đó, bảo trì chung cư bao gồm bảo trì phần sở hữu riêng và bảo trì phần sở hữu chung. Chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm bảo trì phần sở hữu riêng và đóng góp kinh phí để thực hiện bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư.

      Việc đóng góp kinh phí bảo trì, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu được thực hiện theo quy định của pháp luật.

      Theo đó, Theo quy định tại Điều 108 Luật Nhà ở 2014 thì kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu được đóng như sau:

      - Đối với căn hộ, phần diện tích khác trong nhà chung cư mà chủ đầu tư bán, cho thuê mua thì chủ đầu tư phải đóng 2% giá trị căn hộ hoặc diện tích khác bán, cho thuê mua; khoản tiền này được tính vào tiền bán, tiền thuê mua nhà mà người mua, thuê mua phải đóng khi nhận bàn giao và được quy định rõ trong hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê mua;

      - Đối với căn hộ, phần diện tích khác trong nhà chung cư mà chủ đầu tư giữ lại không bán, không cho thuê mua hoặc chưa bán, chưa cho thuê mua tính đến thời điểm bàn giao đưa nhà chung cư vào sử dụng, trừ phần diện tích thuộc sở hữu chung thì chủ đầu tư phải đóng 2% giá trị căn hộ, phần diện tích giữ lại; phần giá trị này được tính theo giá bán căn hộ có giá cao nhất của nhà chung cư đó.

      Nhưng trường hợp kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu trên đây không đủ để thực hiện bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư thì các chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm đóng góp thêm kinh phí tương ứng với phần diện tích thuộc sở hữu riêng của từng chủ sở hữu.

      (Trên đây là nội dung tóm tắt, xem nội dung quy định chi tiết tại Điều 108 Luật Nhà ở 2014)

      Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì về nguyên tắc, kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu sẽ do chủ đầu tư đóng.

      Tuy nhiên, nếu trường hợp phần kinh phí mà chủ đầu tư đóng mà không đủ để thực hiện bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu thì các cư dân của nhà chung cư đó (chủ sở hữu nhà chung cư) phải đóng góp thêm kinh phí bảo trì theo quy định.

      Bạn căn cứ nội dung trên đây để áp dụng cụ thể đối với trường hợp của mình.

      Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn