Nhà đất của người đã sang Mỹ từ năm 1978, hiện nay do người khác quản lý

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 10/09/2016

Nhà đất tại tỉnh Cà Mau là của ông bà A (thông gia của bà ngoại tôi) vượt biên sang Mỹ năm 1978 để lại cho bà ngoại tôi ở, không có giấy chuyển nhượng hay mua bán gì. Thời gian gần đây, Sở địa chính nhà đất đã đến đo đạc để hoá giá nhà đất. Bà ngoại tôi liên lạc với ông bà A thì biết ông bà đã mất cách đây 24 năm, không để lại di chúc. Các con của ông bà A đã viết giấy uỷ quyền cho bà ngoại tôi (có chính quyền bên Mỹ chứng nhận), cùng với tờ giấy kê khai nhà đất nói trên (giấy kê khai nhà đất do ông bà A kê khai năm 1978 trước khi sang Mỹ). Vậy làm thế nào để nhà đất trên thuộc quyền sở hữu của bà ngoại tôi và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bà ngoại tôi phải liên lạc cơ quan nào để giải quyết. Tôi xin chân thành cảm ơn.

    • 1. Trong câu hỏi, bạn không nêu lý do tại sao Sở địa chính nhà đất lại tiến hành thủ tục để hóa giá nhà đất mà bà ngoại bạn đang ở. Nhưng căn cứ vào những thông tin bạn cung cấp thì chúng tôi cho rằng trường hợp mà bạn có liên quan đến quy định trước đây về “nhà đất vắng chủ”.

      Khái niệm “nhà đất vắng chủ” được đưa ra tại Thông tư số 201/BXD-ND của Bộ Xây dựng ngày 23/6/1978 hướng dẫn về việc quản lý nhà, đất vắng chủ ở các tỉnh phía Nam.

      * “Nhà đất vắng chủ” ở miền Nam là nhà đất từ khi giải phóng miền Nam, người đứng tên sở hữu không có mặt ở địa phương không có lý do chính đáng và cũng không đăng ký cư trú tại một nơi nào trên lãnh thổ nước Việt Nam như:

      - Nhà đất của những người di tản ra nước ngoài trước và trong những ngày giải phóng miền Nam.

      - Nhà đất của những người ra nước ngoài làm ăn sinh sống học tập, chữa bệnh thăm viếng bà con... từ trước ngày miền Nam giải phóng, không có uỷ quyền cho ai quản lý hoặc uỷ quyền không hợp pháp.

      - Nhà đất của những người không rõ tung tích, không biết rõ còn sống hay chết. Nhà đất như trên là nhà đất vắng chủ.

      - Nhà đất của ngoại kiều xuất cảnh không giao lại cho chính quyền ta, không uỷ quyền hợp lệ, hợp pháp cho ai quản lý cũng gọi là nhà đất vắng chủ của ngoại kiều.

      * Nhà đất của những chủ sở hữu sau đây không coi là nhà đất vắng chủ:

      - Nhà đất của những người tập kết ra miền Bắc, đi tham gia cách mạng, đi kháng chiến chưa kịp trở về.

      - Nhà đất của những người tham gia xây dựng kinh tế mới chưa giải quyết xong việc mua bán chuyển nhượng.

      - Nhà đất của những người được chính quyền ta cử đi công tác, đi học tập, đi chữa bệnh... ở nước ngoài và những người được phép ra nước ngoài có thời hạn, nhà cửa gửi lại bà con thân thuộc.

      - Nhà đất của những người vì điều kiện sinh sống công tác không ở địa phương nơi có nhà đất mà lại ở trong một tỉnh khác có đăng ký cư trú nhất định.

      Theo Thông tư số 201/BXD-ND thì Nhà nước quản lý nhà đất vắng chủ theo chính sách quy định trong mục II Quyết định 111/CP ngày 14/4/1977 của Hội đồng Chính phủ về việc ban hành chính sách quản lý và cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nhà đất cho thuê ở các đô thị của các tỉnh phía Nam và Thông tư 31/BXD ngày 18-10-77 của Bộ Xây dựng. Cụ thể như sau:

      - Tất cả những nhà, đất và tài sản vắng chủ của người Việt nam và ngoại kiều đều do Nhà nước trực tiếp quản lý. Khi người chủ về, Nhà nước sẽ giải quyết với họ. Không ai được chiếm dụng, tự ý chuyển nhượng, mua bán nhà cửa, tài sản vắng chủ khi không được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

      - Nhà nước quản lý sử dụng những nhà, đất và tài sản vắng chủ cho thuê theo chính sách cải tạo nhà cho thuê.

      - Nhà nước quản lý sử dụng những nhà, đất và tài sản vắng chủ của những người đã ra nước ngoài làm ăn buôn bán, hành nghề từ trước ngày giải phóng, khi họ trở về sẽ tuỳ từng trường hợp mà nghiên cứu giải quyết sau.

      Riêng đối với những người sau đây, khi họ trở về, Nhà nước sẽ xét từng trường hợp cụ thể mà trả lại nhà cửa, tài sản cho họ:

      + Những người làm ăn lương thiện đi chữa bệnh, đi thăm viếng bà con, đi học ở nước ngoài.

      + Những người đi tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến.

      + Những người là nhân dân lao động vì hoang mang sợ hãi bỏ chạy đi các nơi trước và trong những ngày giải phóng.

      - Những nhà, đất và tài sản mà trước khi vắng, chủ nhà đã uỷ quyền hợp pháp cho những người là con đẻ, vợ hoặc chồng hợp pháp của mình quản lý thì những người ấy được tiếp tục quản lý và phải chấp hành những chính sách quản lý nhà, đất của Nhà nước; trường hợp chưa kịp uỷ quyền hợp pháp thì Nhà nước cho phép những người là cha mẹ, con đẻ, vợ hoặc chồng hợp pháp của họ trước đây đã ở trong những nhà ấy, nay được tiếp tục ở nhưng không được bán, chuyển dịch bất động sản.

      Đối với thân nhân không phải là cha mẹ, vợ chồng, con của các chủ vắng mặt mà trước đây cùng ở chung với chủ nhà, nếu nay còn ở lại thì sẽ được thu xếp cho ở một chỗ trong nhà hoặc xếp ở nơi khác.

      - Những trường hợp xin thừa kế, xin hiến nhà, đất và tài sản vắng chủ sẽ được nghiên cứu giải quyết từng trường hợp cụ thể theo chính sách.

      - Uỷ ban nhân dân thành phố, tỉnh thống nhất quản lý những nhà đất và tài sản vắng chủ tại địa phương. Cơ quan quản lý nhà đất và cơ quan tài chính chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng, kiểm kê định giá, xử lý và thanh toán với chủ nhà khi họ trở về theo đúng các chính sách chế độ và thống nhất quản lý nhà đất và tài sản vắng chủ của Nhà nước.

      Từ những quy định trên và căn cứ vào tình hình thực tế, bạn nên xem xét kỹ: nhà đất mà bà ngoại bạn đang ở có thuộc diện “nhà đất vắng chủ” hay không. Và sau đó, bạn tìm hiểu các quy định của tỉnh Cà Mau về việc giải quyết các trường hợp liên quan để tìm ra hướng giải quyết cho bà ngoại mình. Bạn có thể liên hệ với cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà đất các cấp để được giải quyết.

      2. Theo thông tin mà bạn cung cấp thì bà ngoại bạn không có giấy tờ gì làm căn cứ để chứng minh việc quản lý và sử dụng nhà đất đó, thậm chí không có giấy tờ gì của ông bà A về việc cho bà ngoại bạn được ở trên nhà đất đó. Nên rất khó để cơ quan có thẩm quyền công nhận nhà đất đó thuộc quyền sử dụng và sở hữu hợp pháp của bà ngoại bạn.

      Tuy nhiên, nếu gia đình bạn có đầy đủ thông tin, tài liệu thì có thể làm thủ tục để được cơ quan có thẩm quyền công nhận quyền sử dụng/sở hữu của ông bà A đối với nhà đất đó; đồng thời công nhận quyền thừa kế của các con và những người thừa kế khác của ông bà A khi ông bà A đã chết (theo Điều 676 Bộ luật dân sự: Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết).

      Trong trường hợp Nhà nước công nhận quyền thừa kế của các con ông bà A đối với nhà đất mà bà ngoại bạn đang ở thì các con ông bà A và những người thừa kế khác của ông bà A (nếu có) có thể làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế là nhà đất do ông bà A để lại. Sau khi khai nhận di sản thừa kế, các con của ông bà A làm hợp đồng chuyển nhượng hoặc hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà cho bà ngoại bạn theo quy định của pháp luật.

      Vì các con ông bà A đang ở nước ngoài nên có thể làm ủy quyền cho một người đang ở Việt Nam để tiến hành các thủ tục trên. Việc ủy quyền do cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài chứng nhận theo quy định của Luật công chứng và các văn bản liên quan.

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    • Quyết định 111/CP Tải về
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn