Quy định về hồ sơ, trình tự đề nghị quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở tại Việt Nam

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 12/12/2017

Hồ sơ, trình tự đề nghị quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở tại Việt Nam được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập, tôi là Nguyễn Thanh Thảo, tôi đang có nhu cầu tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động sở hữu nhà ở, phát triển nhà ở, quản lý, sử dụng nhà ở, giao dịch về nhà ở và quản lý nhà nước về nhà ở tại Việt Nam. Tôi có thắc mắc cần Ban biên tập giải đáp giúp tôi. Cho tôi hỏi, hồ sơ, trình tự đề nghị quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở tại Việt Nam được quy định cụ thể ra sao? Tôi có thể tìm hiểu thông tin tại văn bản pháp luật nào? Mong nhận được sự phản hồi từ Ban biên tập. Trân trong!

Nguyễn Thanh Thảo (thaothanh*****@gmail.com)

    • Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nhà ở thì hồ sơ, trình tự đề nghị quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở tại Việt Nam được thực hiện như sau:

      - Đối với trường hợp quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 9 của Nghị định 99/2015/NĐ-CP thì ngoài các nội dung đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư công, pháp luật đầu tư, còn phải có thêm các nội dung sau đây về nhà ở:

      + Diện tích đất lúa, đất trồng rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng cần chuyển đổi mục đích sử dụng để làm dự án đầu tư xây dựng nhà ở (nếu có);

      + Tỷ lệ và số lượng các loại nhà ở tính theo đơn vị ở (căn hộ chung cư, nhà biệt thự, nhà ở riêng lẻ); tổng diện tích sàn xây dựng nhà ở;

      + Việc xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, diện tích để xe công cộng và để xe cho các hộ gia đình, cá nhân sinh sống trong khu vực dự án;

      + Diện tích đất dành để xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê theo quy định của Luật Nhà ở; phương án quản lý hoặc bàn giao cho địa phương các công trình hạ tầng kỹ thuật của dự án sau khi hoàn thành việc đầu tư xây dựng;

      + Trách nhiệm của chính quyền địa phương và chủ đầu tư trong việc thực hiện dự án và xây dựng các công trình hạ tầng xã hội của dự án, trừ trường hợp khu vực dự án đã có các công trình hạ tầng xã hội.

      - Đối với trường hợp quy định tại các Khoản 4, 5 và 6 Điều 9 của Nghị định 99/2015/NĐ-CP thì hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư bao gồm:

      + Hồ sơ pháp lý của đơn vị được giao làm chủ đầu tư, bao gồm giấy tờ chứng minh chức năng kinh doanh bất động sản, tư cách pháp lý, giấy tờ chứng minh năng lực tài chính, kinh nghiệm của chủ đầu tư theo quy định của pháp luật; trường hợp chưa lựa chọn chủ đầu tư thì có báo cáo về hình thức lựa chọn chủ đầu tư và dự kiến điều kiện để lựa chọn chủ đầu tư;

      + Văn bản đề nghị chấp thuận chủ trương dự án xây dựng nhà ở, trong đó nêu rõ cơ sở pháp lý đề nghị chấp thuận; các nội dung đề xuất chấp thuận quy định tại Khoản 2 Điều 11 của Nghị định 99/2015/NĐ-CP; lý do đề nghị chấp thuận và chứng minh sự phù hợp của nội dung dự án với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương đã được phê duyệt;

      + Quyết định phê duyệt quy hoạch kèm theo bản vẽ quy hoạch chi tiết khu vực có dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

      + Nội dung chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương đã được phê duyệt có liên quan đến việc triển khai thực hiện dự án cần chấp thuận chủ trương đầu tư.

      - Trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở quy định tại các Khoản 4, 5 và 6 Điều 9 của Nghị định 99/2015/NĐ-CP được thực hiện như sau:

      + Trường hợp chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định tại Khoản 4 Điều 9 của Nghị định 99/2015/NĐ-CP thì Sở Xây dựng chủ trì lập hồ sơ và có Tờ trình trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng thẩm định; nếu dự án có sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải lấy thêm ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Sau khi thẩm định, Bộ Xây dựng có Tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.

      Thời gian thực hiện thẩm định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư là 30 ngày, kể từ ngày Bộ Xây dựng nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị thẩm định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; thời gian Bộ Tài nguyên và Môi trường cho ý kiến (nếu có) là 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ;

      + Trường hợp chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định tại Khoản 5 Điều 9 của Nghị định này thì Sở Xây dựng chủ trì lập hồ sơ và có Tờ trình trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để báo cáo xin ý kiến của Hội đồng nhân dân cùng cấp trước khi chấp thuận chủ trương đầu tư;

      + Trường hợp chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định tại Khoản 6 Điều 9 của Nghị định 99/2015/NĐ-CP thì Sở Xây dựng chủ trì thẩm định và có Tờ trình đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư.

      - Sau khi có quyết định hoặc văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo triển khai các bước chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án theo quy định của pháp luật.

      Trên đây là nội dung tư vấn về hồ sơ, trình tự đề nghị quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở tại Việt Nam. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 99/2015/NĐ-CP.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn