Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện có cần lấy ý kiến của dân không?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 25/06/2022

Có cần thiết lấy ý kiến của nhân dân khi tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện không? Lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất căn cứ theo những nguyên tắc nào?

Tôi sống ở huyện B được hơn 10 năm và nghe tin sắp tới cơ quan nhà nước sẽ tiến hành lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất khu này nhưng phần quy hoạch không có dính tới nhà tôi, điều tôi thắc mắc là khi tiến hành lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì nhà nước có tổ chức lấy ý kiến của nhân dân hay không? Việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất căn cứ theo những nguyên tắc nào? Mong anh chị Luật sư tư vấn. Tôi cảm ơn.

    • Có cần thiết lấy ý kiến của dân khi tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện không?

      Theo Khoản 2 Điều 43 Luật Đất đai 2013 được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 6 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018 quy định về việc lấy ý kiến về quy hoạch sử dụng đất cấp huyện như sau:

      2. Việc lấy ý kiến về quy hoạch sử dụng đất cấp huyện được thực hiện như sau:

      a) Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm lấy ý kiến về quy hoạch sử dụng đất cấp huyện;

      b) Việc lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về quy hoạch sử dụng đất cấp huyện được thực hiện bằng hình thức tổ chức hội nghị, lấy ý kiến trực tiếp và công khai thông tin về nội dung của quy hoạch sử dụng đất trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện;

      c) Nội dung lấy ý kiến về quy hoạch sử dụng đất cấp huyện gồm các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất, các dự án công trình thực hiện trong thời kỳ quy hoạch sử dụng đất;

      d) Thời gian lấy ý kiến về quy hoạch sử dụng đất cấp huyện là 30 ngày kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định tổ chức lấy ý kiến;

      đ) Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm xây dựng báo cáo tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến của nhân dân và hoàn thiện phương án quy hoạch sử dụng đất cấp huyện trước khi trình Hội đồng thẩm định quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.

      Như vậy, khi nhà nước lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện thì phải tiến hành việc lấy ý kiến của cá nhân và cộng đồng dân cư thông qua tổ chức hội nghị, lấy ý kiến trực tiếp.

      Việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất căn cứ theo những nguyên tắc nào?

      Theo Điều 35 Luật Đất đai 2013 được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 6 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018 quy định về nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất như sau:

      1. Việc lập quy hoạch sử dụng đất phải tuân thủ quy định của pháp luật về quy hoạch và các nguyên tắc sau đây:

      a) Quy hoạch sử dụng đất quốc gia phải bảo đảm tính đặc thù, liên kết của các vùng; quy hoạch sử dụng đất cấp huyện phải thể hiện nội dung sử dụng đất của cấp xã;

      b) Bảo vệ nghiêm ngặt đất chuyên trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng;

      c) Bảo đảm sự cân bằng giữa nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, địa phương và khả năng, quỹ đất của quốc gia nhằm sử dụng đất tiết kiệm và có hiệu quả;

      d) Khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên; thích ứng với biến đổi khí hậu;

      đ) Nội dung phân bổ và sử dụng đất trong quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch sử dụng đất quốc gia.

      2. Việc lập kế hoạch sử dụng đất phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

      a) Phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh;

      b) Kế hoạch sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cùng cấp đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; đối với kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh phải phù hợp với phương án phân bổ, khoanh vùng đất đai trong quy hoạch tỉnh;

      c) Sử dụng đất tiết kiệm và có hiệu quả;

      d) Khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; thích ứng với biến đổi khí hậu;

      đ) Bảo vệ, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;

      e) Kế hoạch của ngành, lĩnh vực, địa phương có sử dụng đất phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn