Quyền dân biết, dân bàn trong dự án đền bù giải toả đất đai

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 09/09/2016

Trong quá trình triển khai dự án xây dựng đường vào khu công nghiệp, cán bộ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thị xã A và Chủ tịch UBND xã X đã thống nhất khoán trắng cho ông Thanh, Trưởng thôn M thực hiện một số công việc của dự án như: lập danh sách đền bù, nhận tiền đền bù và chi trả cho các hộ dân trong thôn bị thu hồi đất với tổng số tiền hơn 43 triệu đồng. Lợi dụng chức trách được giao, ông Thanh đã đưa vào danh sách đền bù hộ bà Hường tuy thực tế không bị thu hồi đất nhưng được khai khống để có trong danh sách số tiền đền bù là 5 triệu đồng. Số tiền này được ông Thanh giữ lại cho riêng mình. Không chỉ vậy, trong danh sách đền bù còn có hộ ông Khuông, bị thu hồi đất và đã nhận thanh toán số tiền đền bù 4 triệu đồng nhưng đến tháng 7/2005, biết được việc UBND thị xã A có chủ trương yêu cầu UBND thị trấn X phải thu hồi một số khoản đền bù thu hồi đất đã cấp không đúng đối tượng, ông Thanh đã tự ý đến nhà ông Khuông yêu cầu nộp lại 2 triệu trong tổng số 4 triệu mà gia đình ông Khuông đã được đền bù trước đó. Ông Khuông đã buộc phải nộp lại số tiền này trong khi hộ gia đình ông không có tên trong danh sách bị thu hồi tiền. Như vậy có những vi phạm pháp luật nào xuất hiện trong tình huống? Đâu là nguyên nhân để xảy ra tình huống này. Nếu là Chủ tịch UBND xã, cần triển khai các vụ việc tương tự như thế nào để tránh những sai phạm như nêu trong tình huống trên đây?

    • Tình huống trên đề cập đến một nội dung quan trọng của Quy chế thực hiện dân chủ ở xã ban hành theo Nghị định 79/2003/NĐ-CP của Chính phủ ngày 07 tháng 7 năm 2003: vấn đề thực hiện dân chủ trong đền bù giải phóng mặt bằng; trách nhiệm và quyền hạn của Trưởng thôn, cán bộ địa chính xã trong giải phóng mặt bằng. Nguyên nhân trực tiếp để xảy ra những tiêu cực trong vụ việc là do quá trình thực hiện dự án thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, chính quyền xã đã không thực hiện đầy đủ các quy định trong Quy chế thực hiện dân chủ ở xã về quyền dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra đối với vấn đề này, mà cụ thể là các quy định tại khoản 3 Điều 5 (về trách nhiệm thông báo công khai cho người dân biết về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai), khoản 7 Điều 10 (về trách nhiệm để nhân dân bàn, tham gia ý kiến về chủ trương, phương án đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng cơ sở, tái định cư), khoản 7 Điều 12 (về trách nhiệm để nhân dân tham gia giám sát, kiểm tra công trình của cấp trên triển khai trên địa bàn xã có ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, an ninh, trật tự, văn hoá - xã hội, vệ sinh môi trường và đời sống của nhân dân địa phương) của Quy chế. Trong vụ việc này đã phát sinh hành vi vi phạm pháp luật của ông Thanh, Trưởng thôn M, mà cụ thể là cấu thành các tội tham ô tài sản (do hành vi chiếm dụng khoản tiền đền bù của hộ bà Hường) và tội lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản (do hành vi tự ý đến nhà ông Khuông truy thu lại tiền). Bên cạnh đó, chính quyền xã X đã không thực hiện đầy đủ các quy định về dân chủ ở cơ sở liên quan đến chủ trương, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng, đồng thời Ban Quản lý dự án thị xã A và chính quyền xã buông lỏng quản lý đã tạo điều kiện thuận lợi để ông Thanh dễ dàng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật của mình. Có thể phân tích những sai phạm của UBND xã X như sau:

      Thứ nhất, quy hoạch đất đai và việc đền bù giải phóng mặt bằng với các nội dung cụ thể như: thông báo về dự án, chủ trương phương án đền bù giải phóng mặt bằng... là những loại việc phải được thông báo công khai cho nhân dân trong thôn, xã có liên quan để nhân dân nói chung và những hộ gia đình có quyền và lợi ích liên quan được biết (khoản 7 Điều 5 Quy chế thực hiện dân chủ ở xã).
      Thứ hai, các vấn đề cụ thể về chủ trương và phương án đền bù trong dự án giải phóng mặt bằng như kê khai danh sách các hộ được đền bù và diện tích bị thu hồi được đền bù, đơn giá đền bù, số tiền đền bù cụ thể... là những vấn đề UBND xã không chỉ có trách nhiệm thông báo cho dân biết mà còn phải có hình thức thích hợp để đưa ra dân bàn bạc, đóng góp ý kiến (theo quy định tại khoản 7 Điều 10 Quy chế thực hiện dân chủ ở xã). Việc thực hiện quyền dân bàn trong trường hợp này tốt nhất là thông qua hình thức họp dân, rồi sau đó tổng hợp lại ý kiến đóng góp, niêm yết công khai để tránh mọi sự khiếu nại thắc mắc, trước khi trình lên Ban Quản lý dự án quyết định mức đền bù.
      Trong vụ việc trên, việc cán bộ của Ban Quản lý dự án và Chủ tịch UBND xã X khoán trắng cho Trưởng thôn thực hiện các công việc về lập danh sách và chi trả tiền đền bù đã bộc lộ tính thiếu dân chủ: cán bộ địa chính không chủ trì họp dân và lấy ý kiến đóng góp của dân; không thông báo công khai quy hoạch để người dân có thể tự mình biết rõ những hộ bị thu hồi đất, diện tích đất bị thu hồi và được đền bù, số tiền được đền bù... mà tất cả đều thông qua Trưởng thôn - do đó đã tạo điều kiện để Trưởng thôn lợi dụng sơ hở mà vi phạm pháp luật.
      Đồng thời, việc khoán trắng cho Trưởng thôn thực hiện những công việc đó cũng thể hiện sự tắc trách, buông lỏng quản lý của chính quyền xã. Cụ thể là: theo quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng thôn tại khoản 2 Điều 17 Quy chế thực hiện dân chủ ở xã thì việc thống kê tình trạng đất, lên danh sách các hộ được đền bù, chi trả tiền đền bù... không phải là nhiệm vụ của Trưởng thôn.
      Đây là công việc thuộc trách nhiệm của cán bộ địa chính - công chức chuyên môn của UBND xã. Trưởng thôn có thể tham gia vào các nhiệm vụ trên nhưng không phải với tư cách chủ động của người có nhiệm vụ, quyền hạn mà chỉ là vai trò hỗ trợ cán bộ của UBND xã thực hiện nhiệm vụ. Mọi giấy tờ, xác nhận hay danh sách đều phải được lập và ký bởi cán bộ có chức năng, nhiệm vụ của UBND xã chứ không được để Trưởng thôn tự lập và tự ký tên. Trên thực tế, cách triển khai dự án giải phóng mặt bằng mà không tuân thủ các quy định về dân chủ ở cơ sở như trong vụ việc này không chỉ là nguyên nhân làm nảy sinh các hành vi vi phạm pháp luật, mà còn có thể dẫn đến những nguy cơ làm mất niềm tin của nhân dân vào chính quyền, dẫn đến việc khiếu nại, tố cáo gây mất đoàn kết, ổn định trật tự xã hội tại địa phương.

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn