Sổ đỏ ghi 'hộ gia đình', thủ tục chia đất thế nào?

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 01/10/2016

Bà tôi năm nay 80 tuổi có hai con (một trai và một gái). Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp năm 2005 ghi là "hộ gia đình" (lúc đấy các con đều đã lập gia đình). Bà đang sống cùng con trai; trong Sổ hộ khẩu gia đình có bà, con trai, con dâu và các cháu nội. Hiện bà tôi muốn chia đất cho con gái thì có được không, thủ tục thế nào?

    • Theo thư của bạn, quyền sử dụng đất được cấp cho hộ gia đình và trở thành tài sản chung. Điều 108 Bộ luật dân sự năm 2005 về tài sản chung của hộ gia đình quy định: “Tài sản chung của hộ gia đình gồm quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, rừng trồng của hộ gia đình, tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên hoặc được tặng cho chung, được thừa kế chung và các tài sản khác mà các thành viên thỏa thuận là tài sản chung của hộ”.

      Như vậy, nếu trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hiện tại ghi là “Hộ bà…” thì quyền sử dụng đất không chỉ thuộc về bà nội bạn mà còn thuộc về những thành viên trong gia đình tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2005.

      Tiếp đó, theo quy định tại Điều 109 Bộ luật dân sự năm 2005: “1. Các thành viên của hộ gia đình chiếm hữu và sử dụng tài sản chung của hộ theo phương thức thỏa thuận.

      2. Việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ 15 tuổi trở lên đồng ý; đối với các loại tài sản chung khác phải được đa số thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý”.

      Như vậy, việc chiếm hữu, định đoạt thửa đất phải theo sự thỏa thuận của những thành viên trong hộ gia đình tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nếu bà nội bạn chỉ muốn tặng cho quyền sử dụng đất cho con gái thì cần phải có sự đồng ý của các thành viên khác trong gia đình.

      Trong trường hợp các thành viên còn lại không đồng ý việc tặng cho quyền sử dụng đất, nếu đủ điều kiện thì bà bạn có thể tách thửa đất, sau đó sẽ làm thủ tục tặng cho. Mảnh đất là tài sản chung của hộ gia đình, các thành viên trong hộ gia đình đều là người có quyền sử dụng nên bà nội bạn chỉ có thể yêu cầu chia đất trong phạm vi phần tài sản bà nội bạn đã góp.

      Theo quy định tại khoản 2 Điều 64 Nghị định 43/2014/NĐ-CP: “Hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của nhóm người sử dụng đất, nhóm chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất phải được tất cả các thành viên trong nhóm ký tên hoặc người có văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự, trừ trường hợp các chủ sở hữu căn hộ cùng sử dụng chung thửa đất trong nhà chung cư”. Như vậy, để tách thửa phải đáp ứng diện tích tối thiểu và hơn hết là phải có sự đồng ý của những thành viên khác có quyền sử dụng đất.

      Về thủ tục tách thửa đất, khoản 5 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 quy định thành phần hồ sơ gồm:

      - Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK;

      - Bản gốc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp;

      - Hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận phân chia quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình.

      - Các giấy tờ nhân thân như: sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân.

      Nơi nộp: Văn phòng đăng ký đất đai hoặc văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất – Phòng tài nguyên và môi trường.

      Thời gian: Không quá 15 ngày.

      Nghĩa vụ tài chính: Theo quy định tại Điều 107 Luật đất đai 2013, các khoản thu tài chính trong trường hợp này bao gồm thuế sử dụng đất, phí và lệ phí tách thửa và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong đó bao phí đo đạc. Với các loại phí này, các địa phương sẽ có quy định cụ thể, khác nhau.

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn