Thời hạn sở hữu nhà tại Việt Nam của Việt Kiều là bao lâu?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 29/07/2022

Thời hạn sở hữu nhà tại Việt Nam của Việt Kiều là bao lâu? Người nước ngoài có được bán nhà lại cho người Việt Nam không? Người nước ngoài có được mua nhà của người Việt Nam không?

    • Thời hạn sở hữu nhà tại Việt Nam của Việt Kiều là bao lâu?

      Em có nội dung thắc mắc như sau: Việt kiều mua nhà tại Việt Nam có bị giới hạn về thời gian sở hữu không?

      Trả lời:

      Việt kiều là cách gọi thông thường mà theo quy định pháp luật thì được gọi là người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

      Theo Luật Nhà ở 2014 thì người Việt Nam định cư ở nước ngoài không bị giới hạn về thời hạn được sở hữu nhà ở tại Việt Nam; người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở ổn định lâu dài, trừ trường hợp sở hữu nhà ở có thời hạn theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán nhà ở theo quy định tại Điều 123 Luật Nhà ở 2014.

      Điều 123 Luật Nhà ở 2014 được hướng dẫn tại Điều 73 Nghị định 99/2015/NĐ-CP có nội dung quy định:

      Điều 73. Bán nhà ở có thời hạn:

      1. Bên bán được bán nhà ở gắn với việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc quyền thuê đất ở có nhà ở đó cho bên mua trong một thời hạn nhất định.

      Người nước ngoài có được bán nhà lại cho người Việt Nam không?

      Chào tổ tư vấn pháp lý, em có nội dung thắc mắc như sau: Em có đứa bạn là người nước ngoài, nó sắp tới sẽ quay về Đức sinh sống, hiện tại nó có căn hộ muốn bán lại cho em thì có được không?

      Trả lời:

      Căn cứ Khoản 4 Điều 7 Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định:
      ...
      4. Trường hợp trước khi hết hạn sở hữu nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài bán hoặc tặng cho nhà ở thì người mua, người được tặng cho được sở hữu nhà ở theo quy định
      ...
      a) Trường hợp bán hoặc tặng cho nhà ở cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì bên mua, bên nhận tặng cho được sở hữu nhà ở ổn định lâu dài;
      ...

      Mặt khác, cần lưu ý quy định tại Khoản 8 Điều 79 Nghị định 99/2015/NĐ-CP:

      Nghiêm cấm tổ chức, cá nhân nước ngoài mua nhà ở để bán lại nhằm mục đích kinh doanh kiếm lời.

      Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định hướng dẫn nào về việc mua và bán lại nhà nhằm mục đích kinh doanh kiếm lời. Như vậy, nếu người nước ngoài có nhà tại Việt Nam, còn thời hạn sở hữu nhà và không còn nhu cầu sử dụng nữa thì có quyền bán lại cho người Việt Nam theo quy định.

      Người nước ngoài có được mua nhà của người Việt Nam không?

      Chào tổ tư vấn. Tôi có người bạn là người Đài Loan. Vừa qua tôi có thừa kế căn hộ do ông để lại. Tuy nhiên, do có nhu cầu làm ăn nên tôi cần vốn, tôi muốn bán căn nhà này lại cho người bạn tôi đã nhắc. Vậy, cho tôi hỏi: Tôi có quyền bán căn hộ này lại cho bạn tôi không? Mong nhận được thông tin hỗ trợ.

      Trả lời:

      Căn cứ Khoản 2 Điều 76 Nghị định 99/2015/NĐ-CP:

      Tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam chỉ được mua, thuê mua nhà ở của chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở, mua nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 7 của Nghị định này và chỉ được nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở của hộ gia đình, cá nhân hoặc nhận tặng cho nhà ở của tổ chức trong số lượng nhà ở theo quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều này tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở được phép sở hữu; trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài được tặng cho, được thừa kế nhà ở tại Việt Nam nhưng không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì giải quyết theo quy định tại Điều 78 của Nghị định này.

      Như vậy, cá nhân là người nước ngoài khi mua nhà ở tại Việt Nam thì chỉ được mua nhà ở của chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở, của tổ chức, cá nhân là người nước ngoài. Đối với trường hợp người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam thì pháp luật không cho phép.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn