Xây dựng nhà thờ họ trên đất phi nông nghiệp có phải chịu thuế không?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 22/11/2022

Xây dựng nhà thờ họ trên đất phi nông nghiệp có phải chịu thuế không? Nhiều người cùng sử dụng một thửa đất phi nông nghiệp thì ai là người nộp thuế? Giá tính thuế đối với đất phi nông nghiệp được tính ra sao?

Xin chào ban biên tập, tôi và họ hàng cùng chung mua một mảnh đất phi nông nghiệp về, dự định sẽ dùng một phần mảnh đất đó để xây dựng nhà thờ họ thì khi xây xong không biết có phải chịu thuế đất phi nông nghiệp không? Nếu không xây nhà thờ họ và phải đóng thuế đất phi nông nghiệp thì ai sẽ là người đóng, bởi vì đất này có cùng nhiều người sử dụng, đứng tên? Xin được giải đáp.

    • 1. Xây dựng nhà thờ họ trên đất phi nông nghiệp có phải chịu thuế không?

      Căn cứ Điều 3 Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp 2010 quy định đối tượng không chịu thuế như sau:

      Đất phi nông nghiệp sử dụng không vào mục đích kinh doanh bao gồm:

      1. Đất sử dụng vào mục đích công cộng bao gồm: đất giao thông, thủy lợi; đất xây dựng công trình văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao phục vụ lợi ích công cộng; đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; đất xây dựng công trình công cộng khác theo quy định của Chính phủ;

      2. Đất do cơ sở tôn giáo sử dụng;

      3. Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa;

      4. Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng;

      5. Đất có công trình là đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ;

      6. Đất xây dựng trụ sở cơ quan, xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh;

      7. Đất phi nông nghiệp khác theo quy định của pháp luật.

      Như vậy, đất phi nông nghiệp không sử dụng vào mục đích kinh doanh dùng để xây nhà thờ họ thì sẽ không phải đóng thuế đất phi nông nghiệp theo quy định trên.

      2. Nhiều người cùng sử dụng một thửa đất phi nông nghiệp thì ai là người nộp thuế?

      Theo Điều 4 Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp 2010 quy định người nộp thuế như sau:

      1. Người nộp thuế là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có quyền sử dụng đất thuộc đối tượng chịu thuế quy định tại Điều 2 của Luật này.

      2. Trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) thì người đang sử dụng đất là người nộp thuế.

      3. Người nộp thuế trong một số trường hợp cụ thể được quy định như sau:

      a) Trường hợp được Nhà nước cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư thì người thuê đất ở là người nộp thuế;

      b) Trường hợp người có quyền sử dụng đất cho thuê đất theo hợp đồng thì người nộp thuế được xác định theo thỏa thuận trong hợp đồng. Trường hợp trong hợp đồng không có thỏa thuận về người nộp thuế thì người có quyền sử dụng đất là người nộp thuế;

      c) Trường hợp đất đã được cấp Giấy chứng nhận nhưng đang có tranh chấp thì trước khi tranh chấp được giải quyết, người đang sử dụng đất là người nộp thuế. Việc nộp thuế không phải là căn cứ để giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất;

      d) Trường hợp nhiều người cùng có quyền sử dụng một thửa đất thì người nộp thuế là người đại diện hợp pháp của những người cùng có quyền sử dụng thửa đất đó;

      đ) Trường hợp người có quyền sử dụng đất góp vốn kinh doanh bằng quyền sử dụng đất mà hình thành pháp nhân mới có quyền sử dụng đất thuộc đối tượng chịu thuế quy định tại Điều 2 của Luật này thì pháp nhân mới là người nộp thuế.

      Như vậy, trong trường hợp nhiều người cùng có quyền sử dụng một thửa đất phi nông nghiệp thì người nộp thuế là người đại diện hợp pháp của những người cùng có quyền sử dụng thửa đất đó. Trường hợp trên của anh/chị thì những người có quyền sử dụng đất có thể lập văn bản cử ra người đại diện để nộp thuế.

      3. Giá tính thuế đối với đất phi nông nghiệp được tính ra sao?

      Tại Điều 6 Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp 2010 quy định giá tính thuế như sau:

      1. Giá tính thuế đối với đất được xác định bằng diện tích đất tính thuế nhân với giá của 1m2 đất.

      2. Diện tích đất tính thuế được quy định như sau:

      a) Diện tích đất tính thuế là diện tích đất thực tế sử dụng.

      Trường hợp có quyền sử dụng nhiều thửa đất ở thì diện tích đất tính thuế là tổng diện tích các thửa đất tính thuế.

      Trường hợp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để xây dựng khu công nghiệp thì diện tích đất tính thuế không bao gồm diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng sử dụng chung;

      b) Đối với đất ở nhà nhiều tầng nhiều hộ ở, nhà chung cư bao gồm cả trường hợp vừa để ở, vừa để kinh doanh thì diện tích đất tính thuế được xác định bằng hệ số phân bổ nhân với diện tích nhà của từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng.

      Hệ số phân bổ được xác định bằng diện tích đất xây dựng nhà nhiều tầng nhiều hộ ở, nhà chung cư chia cho tổng diện tích nhà của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng.

      Trường hợp nhà nhiều tầng nhiều hộ ở, nhà chung cư có tầng hầm thì 50% diện tích tầng hầm của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng trong tầng hầm được cộng vào diện tích nhà của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng để tính hệ số phân bổ;

      c) Đối với công trình xây dựng dưới mặt đất thì áp dụng hệ số phân bổ bằng 0,5 diện tích đất xây dựng chia cho tổng diện tích công trình của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng.

      3. Giá của 1m2 đất là giá đất theo mục đích sử dụng do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định và được ổn định theo chu kỳ 5 năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

      Như vậy, giá tính thuế đối với đất được xác định bằng diện tích đất tính thuế nhân với giá của 1m2 đất. Hiện nay, giá của 1m2 đất sẽ được xác định là giá đất theo bảng giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn