Bộ Giáo dục và đào tạo chấn chỉnh việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 16/05/2023

Xin hỏi: Bộ Giáo dục và đào tạo có yêu cầu gì về việc bỏ Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục?- Câu hỏi của chị Diễm (Khánh Hòa).

    • Bộ Giáo dục và đào tạo chấn chỉnh việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục?

      Ngày 10/5/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chỉ thị 733/CT-BGDĐT năm 2023 về việc chấn chỉnh thực hiện quy định liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục.

      1. Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục các cấp thực hiện nghiêm túc việc không quy định (hoặc yêu cầu) cá nhân, tổ chức nộp hoặc xuất trình SHK, STT giấy ngoài các thành phần hồ sơ theo quy định khi thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục. Các địa phương, cơ sở giáo dục đã kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đảm bảo điều kiện để khai thác, sử dụng thông tin về dân cư không yêu cầu cá nhân, tổ chức nộp, xuất trình các loại giấy tờ khác chứng minh thông tin về cư trú như giấy xác nhận thông tin về cư trú, thông báo số định danh cá nhân,… khi thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục.

      Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm và các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm túc việc không yêu cầu cá nhân, tổ chức nộp hoặc xuất trình SHK, STT giấy khi thực hiện tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục.

      Đẩy mạnh tuyên truyền tới công chức, viên chức ở các cấp quản lý giáo dục, các giáo viên, giảng viên và nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm và các đơn vị có liên quan không được yêu cầu cá nhân, tổ chức nộp hoặc xuất trình SHK, STT giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục. Đồng thời, niêm yết công khai thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ trực tiếp tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại địa phương, cơ sở giáo dục để người dân biết việc không yêu cầu nộp, xuất trình SHK, STT giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục.

      Như vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo có đưa ra chỉ thị yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục các cấp thực hiện nghiêm túc việc yêu cầu cá nhân, tổ chức nộp hoặc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy ngoài các thành phần hồ sơ theo quy định khi thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục.

      Bên cạnh đó, các địa phương, cơ sở giáo dục đã kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đảm bảo điều kiện để khai thác, sử dụng thông tin về dân cư không yêu cầu cá nhân, tổ chức nộp, xuất trình các loại giấy tờ khác chứng minh thông tin về cư trú như giấy xác nhận thông tin về cư trú, thông báo số định danh cá nhân,… khi thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục.

      Bộ Giáo dục và đào tạo chấn chỉnh việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục? (Hình từ Internet)

      Giấy tờ nào chứng minh thông tin cư trú khi bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy để giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công?

      Tại Điều 14 Nghị định 104/2022/NĐ-CP có quy định về khai thác, sử dụng thông tin về cư trú để giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công như sau:

      Khai thác, sử dụng thông tin về cư trú để giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công

      1. Cơ quan có thẩm quyền, cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phải khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.

      2. Thông tin về cư trú của công dân tại thời điểm làm thủ tục hành chính được cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính ghi nhận và lưu giữ trong hồ sơ thủ tục hành chính trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh.

      Việc khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thực hiện bằng một trong các phương thức sau:

      a) Tra cứu, khai thác thông tin cá nhân qua chức năng của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia;

      b) Tra cứu thông tin cá nhân thông qua tài khoản định danh điện tử của công dân được hiển thị trong ứng dụng VNeID;

      c) Sử dụng thiết bị đầu đọc đã được kết nối trực tuyến với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bao gồm thiết bị đọc mã QRCode hoặc thiết bị đọc chíp trên thẻ Căn cước công dân gắn chíp;

      d) Các phương thức khai thác khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

      3. Trường hợp không thể khai thác được thông tin cư trú của công dân theo các phương thức nêu tại khoản 2 Điều này, cơ quan có thẩm quyền, cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công có thể yêu cầu công dân nộp bản sao hoặc xuất trình một trong các giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú.

      Việc yêu cầu công dân nộp bản sao hoặc xuất trình giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú được nêu cụ thể trong quyết định công bố thủ tục hành chính của bộ, cơ quan, địa phương hoặc các văn bản thông báo dịch vụ của cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.

      4. Các loại giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú bao gồm: Thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân, Giấy xác nhận thông tin về cư trú, Giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

      Như vậy, thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân, Giấy xác nhận thông tin về cư trú, Giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là một trong những giấy tờ có thể thay thế sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy.

      Có mấy phương thức khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư?

      Tại khoản 1, khoản 2 Điều 14 Nghị định 104/2022/NĐ-CP quy định các phương thức khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bao gồm:

      - Tra cứu, khai thác thông tin cá nhân qua chức năng của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia;

      - Tra cứu thông tin cá nhân thông qua tài khoản định danh điện tử của công dân được hiển thị trong ứng dụng VNeID;

      - Sử dụng thiết bị đầu đọc đã được kết nối trực tuyến với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bao gồm thiết bị đọc mã QRCode hoặc thiết bị đọc chíp trên thẻ Căn cước công dân gắn chíp;

      Ngoài ra còn có các phương thức khai thác khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn