Chính sách của Nhà nước đối với người lao động trong cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 19/10/2020

Chính sách của Nhà nước đối với người lao động trong cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt được quy định như thế nào? Xin chào Quý Ban biên tập. Em là sinh viên trường Đại học Kinh tế TP.HCM. Trong quá trình học, em có tìm hiểu thêm về vai trò của ngành công nghiệp quốc phòng đối với nền kinh tế đất nước, tuy nhiên một vài vấn đề em chưa nắm rõ, mong được giải đáp. Cho em hỏi, hiện nay, Nhà nước có chính sách ra sao đối với người lao động trong cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt? Vấn đề này em có thể tham khảo thêm tại đâu? Rất mong sớm nhận được phản hồi từ Ban biên tập. Em xin chân thành cảm ơn và kính chúc sức khỏe! 

Thành Luân (luan***@gmail.com)

    • Ngày 26/01/2008, Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh công nghiệp quốc phòng năm 2008. Theo đó, công nghiệp quốc phòng là một phần quan trọng của thực lực và tiềm lực quốc phòng, an ninh; là bộ phận của công nghiệp quốc gia.

      Chính sách của Nhà nước đối với người lao động trong cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Khoản 2 Điều 21 Pháp lệnh công nghiệp quốc phòng năm 2008, được hướng dẫn bởi Khoản 2 Điều 8 Nghị định 46/2009/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

      Người lao động trong cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt được hưởng các chế độ, chính sách như sau:

      a) Lao động là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật đối với sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp, trừ tiền lương thực lĩnh hàng tháng theo kết quả sản xuất kinh doanh;

      b) Lao động có trình độ đại học trở lên, công nhân kỹ thuật những ngành nghề đặc thù quốc phòng, công nhân kỹ thuật đầu ngành được hưởng phụ cấp thu hút;

      c) Lao động trực tiếp tham gia nghiên cứu, chế tạo, sửa chữa, bảo quản, vận chuyển sản phẩm quốc phòng là vũ khí, trang bị hoặc đảm nhiệm công việc đòi hỏi trách nhiệm cao được hưởng phụ cấp trách nhiệm trong thời gian thực hiện nhiệm vụ; được hưởng phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với ngành nghề, công việc quốc phòng đặc thù;

      d) Công nhân quốc phòng, ngoài chế độ tiền lương còn được hưởng thêm chế độ phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;

      đ) Lao động trong biên chế thuộc các dây chuyền sản xuất quốc phòng trong thời gian tạm ngừng sản xuất quốc phòng mà doanh nghiệp không đủ điều kiện bù đắp chi phí thì được nhà nước hỗ trợ lương;

      e) Lao động khi làm nhiệm vụ phục vụ quốc phòng, an ninh ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; khi thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh mà bị tai nạn thì được xét hưởng chế độ thương binh hoặc nếu bị chết thì được xét hưởng chế độ liệt sĩ theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.

      Trên đây là nội dung hỗ trợ của Ban biên tập đối với thắc mắc của bạn về chính sách của Nhà nước đối với người lao động trong cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo quy định cụ thể tại Pháp lệnh công nghiệp quốc phòng năm 2008.

      Chúc bạn sức khỏe và thành đạt!

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn