Có được ủy quyền cho cấp phó tổ chức đối thoại trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai hay không?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 22/11/2022

Có được ủy quyền cho cấp phó tổ chức đối thoại trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai hay không? Quy định về hoạt động khiếu nại lần hai? Có được Ủy quyền cho người khác thực hiện việc khiếu nại hay không?

Chào anh/chị, tôi có bức xúc về một quyết định hành chính mà ủy ban huyện đưa xuống cho gia đình tôi, do đó tôi có gửi khiếu nại lên Ủy ban và đã được giải quyết. Tuy nhiên, tôi không đồng ý với cách giải quyết đó và có gửi khiếu nại lại lần nữa. Tuy nhiên, lần khiếu nại này Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện không giải quyết cho tôi mà đẻ cấp phó đứng ra giải quyết. Vậy anh chị cho tôi hỏi có được Ủy quyền cho cấp phó tổ chức đối thoại trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai hay không? Tôi có thể ủy quyền cho người khác đi khiếu nại giúp được không? 

Mong được giải đáp!

    • 1. Có được ủy quyển cho cấp phó tổ chức đối thoại trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai hay không?

      Theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Nghị định 124/2020/NĐ-CP việc tổ chức đối thoại trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai như sau:

      1. Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai, người giải quyết khiếu nại phải tổ chức đối thoại.

      a) Người giải quyết khiếu nại lần hai là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Giám đốc sở hoặc tương đương phải trực tiếp đối thoại với người khiếu nại.

      b) Người giải quyết khiếu nại lần hai là Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải trực tiếp đối thoại trong trường hợp khiếu nại phức tạp (có nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung, có nhiều ý kiến khác nhau của các cơ quan có thẩm quyền về biện pháp giải quyết, người khiếu nại có thái độ gay gắt, dư luận xã hội quan tâm, vụ việc ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội).

      Đối với các trường hợp khác, người giải quyết khiếu nại có thể phân công cấp phó của mình hoặc thủ trưởng cơ quan chuyên môn cùng cấp hoặc thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực thuộc được giao nhiệm vụ xác minh đối thoại với người khiếu nại. Trong quá trình đối thoại, người được phân công phải kịp thời báo cáo với người giải quyết khiếu nại về những nội dung phức tạp, vượt quá thẩm quyền; kết thúc đối thoại phải báo cáo với người giải quyết khiếu nại về kết quả đối thoại và chịu trách nhiệm về nội dung báo cáo.

      Theo đó, việc ủy quyển cho cấp phó tổ chức đối thoại trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai của Chủ tịch Ủy ban nhân dân nơi bạn nộp đơn khiếu nại là hoàn toàn hợp pháp.

      2. Quy định về hoạt động khiếu nại lần hai?

      Căn cứ quy định tại Điều 4 Nghị định 124/2020/NĐ-CP về việc khiếu nại lần hai quy định như sau:

      1. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại quy định tại Điều 28 của Luật Khiếu nại mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai; đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày.

      Trường hợp khiếu nại lần hai thì người khiếu nại phải gửi đơn kèm theo quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, các tài liệu có liên quan cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai.

      2. Trường hợp quá thời hạn quy định mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết thì người khiếu nại gửi đơn đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai, nêu rõ lý do và gửi kèm các tài liệu có liên quan về vụ việc khiếu nại. Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai phải xem xét thụ lý giải quyết theo trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại lần hai. Quyết định giải quyết khiếu nại trong trường hợp này là quyết định giải quyết khiếu nại lần hai.

      3. Người giải quyết khiếu nại lần hai áp dụng biện pháp xử lý trách nhiệm theo thẩm quyền đối với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu nếu có hành vi vi phạm pháp luật.

      Trên đây là quy định của pháp luật về việc khiếu nại lần hai.

      3. Có được ủy quyền cho người khác thực hiện việc khiếu nại hay không?

      Việc đại diện thực hiện việc khiếu nại được quy định tại Điều 5 Nghị định 124/2020/NĐ-CP như sau:

      1. Người khiếu nại có thể tự mình khiếu nại hoặc ủy quyền cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc ủy quyền cho người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại. Trường hợp người khiếu nại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì người đại diện theo pháp luật của họ thực hiện việc khiếu nại. Việc xác định người đại diện được thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự.

      2. Cơ quan, tổ chức thực hiện việc khiếu nại thông qua người đại diện theo pháp luật. Người đại diện của cơ quan, tổ chức được ủy quyền cho luật sư hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại.

      3. Việc ủy quyền quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này phải bằng văn bản và được chứng thực hoặc công chứng. Người ủy quyền được ủy quyền khiếu nại cho một người hoặc nhiều người về các nội dung ủy quyền khác nhau nhưng không được ủy quyền một nội dung cho nhiều người thực hiện. Văn bản ủy quyền khiếu nại được thực hiện theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Nghị định này.

      4. Người khiếu nại đang thực hiện việc khiếu nại bị chết mà quyền, nghĩa vụ của người đó được thừa kế theo quy định của pháp luật thì người thừa kế có quyền khiếu nại; người thừa kế khi khiếu nại phải xuất trình với cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại giấy tờ để chứng minh quyền thừa kế của mình. Người thừa kế có thể tự mình khiếu nại hoặc ủy quyền cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại. Trường hợp có nhiều người thừa kế thì những người đó có quyền ủy quyền cho một trong những người thừa kế hoặc luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại.

      Theo đó, bạn có thể ủy quyền cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại thay cho mình. Việc ủy quyền này phải được lập thành văn bản và được công chứng, chứng thực.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn