Có kỷ luật viên chức sinh con thứ 3 nữa không?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 18/12/2020

Em thấy nhiều trang giải đáp không giống nhau về vấn đề này, trang thì bảo viên chức sinh con thứ 3 bị kỷ luật, có trang ghi không vi phạm. Cái nào mới là thông tin chính thức ạ? Em đang hỏi kỷ luật trong đơn vị ấy ạ, không phải kỷ luật đảng viên. Nhờ giải đáp giúp em.

    • Trước đây, theo quy định tại Nghị định 27/2012/NĐ-CP thì viên chức sinh con thứ 3 không bị xử lý kỷ luật.

      Tuy nhiên, theo quy định mới nhất tại Khoản 9 Điều 16 Nghị định 112/2020/NĐ-CP (có hiệu lực áp dụng từ ngày 20/9/2020) thì viên chức vi phạm quy định của pháp luật về: phòng, chống bạo lực gia đình; dân số, hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; an sinh xã hội; quy định khác của pháp luật liên quan đến viên chức thì bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật khiển trách.

      Mặc dù quy định này không khẳng định trực tiếp việc viên chức sinh con thứ 3 sẽ bị xử lý kỷ luật. Tuy nhiên, viên chức vi phạm quy định của pháp luật về dân số sẽ bị kỷ luật khiển trách.

      Cụ thể, việc sinh con thứ 3 là hành vi vi phạm quy định tại Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi điều 10 Pháp lệnh dân số năm 2008 về quyền và nghĩa vụ của các cặp vợ, chồng "Sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định".

      Ngoài ra, Khoản 3 Điều 17 Nghị định 104/2003/NĐ-CP xác định: Mỗi cặp vợ chồng và cá nhân có nghĩa vụ thực hiện quy mô gia đình ít con - có một hoặc hai con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững.

      Do vậy, kết hợp các quy định trên, đối với câu hỏi của bạn, viên chức sinh con thứ 3, nếu không thuộc các trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định được phép sinh con thứ 3 thì vẫn bị xử lý kỷ luật với hình thức khiển trách.

      Các trường hợp sinh con thứ 3 không vi phạm quy định sinh một hoặc hai con được quy định tại Điều 1 và Điều 2 Nghị định 20/2010/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Điều 1 Nghị định 18/2011/NĐ-CP, cụ thể bao gồm 7 trường hợp:

      1. Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu cả hai hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỷ lệ sinh nhỏ hơn hoặc bằng tỷ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

      2. Cặp vợ chồng sinh con lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên.

      3. Cặp vợ chồng đã có một con đẻ, sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên.

      4. Cặp vợ chồng sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi.

      5. Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương xác nhận.

      6. Cặp vợ chồng đã có con riêng (con đẻ):

      - Sinh một con hoặc hai con, nếu một trong hai người đã có con riêng (con đẻ);

      - Sinh một con hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh, nếu cả hai người đã có con riêng (con đẻ). Quy định này không áp dụng cho trường hợp hai người đã từng có hai con chung trở lên và các con hiện đang còn sống.

      7. Phụ nữ chưa kết hôn sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh.

      Ngoài 7 trường hợp này, viên chức sinh con thứ 3 sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định đã phân tích ở trên.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn