Công chức vi phạm từ 2018 tới giờ mới đưa ra kỷ luật thì sẽ áp dụng luật nào để xử lý?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 07/01/2022

Tôi muốn hỏi trường hợp công chức có hành vi vi phạm kỷ luật từ năm 2018, nhưng vì nhiều lý do được tạm hoãn xử lý, tới bây giờ mới đưa ra thực hiện việc xử lý kỷ luật. Như vậy, thì phải dùng luật nào để xử lý kỷ luật? Trình tự khiếu nại như thế nào?

    • Công chức vi phạm từ 2018 tới giờ mới đưa ra kỷ luật thì sẽ áp dụng luật nào để xử lý?

      Căn cứ theo Điều 43 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định về việc áp dụng xử lý kỷ luật như sau:

      - Đối với các hành vi vi phạm được xem xét, xử lý trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục áp dụng quy định của pháp luật hiện hành để xử lý; đối với các hành vi vi phạm xảy ra trước ngày Nghị định này có hiệu lực nhưng việc xem xét, xử lý sau ngày Nghị định này có hiệu lực thì áp dụng quy định của Nghị định này.

      - Các hành vi vi phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, phòng, chống tham nhũng và hình thức xử lý được áp dụng theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Trường hợp pháp luật chuyên ngành chưa quy định hoặc quy định khác với Nghị định này về cùng một nội dung thì áp dụng theo quy định của Nghị định này.

      Như vậy, với trường hợp hành vi vi phạm xảy ra trước ngày Nghị định 112/2020/NĐ-CP có hiệu lực nhưng việc xem xét, xử lý sau ngày Nghị định này có hiệu lực thì áp dụng quy định của Nghị định 112/2020/NĐ-CP. Mà thời điểm có hiệu lực của Nghị định 112/2020/NĐ-CP là 20/9/2020.

      Vậy trường hợp của bạn thì sẽ áp dụng Nghị định 112/2020/NĐ-CP để xử lý kỷ luật.

      Trình tự khiếu nại quyết định xử lý kỷ luật đối với viên chức

      Căn cứ Điều 42 Nghị định này quy định về việc khiếu nại như sau:

      Cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật có quyền khiếu nại đối với quyết định kỷ luật theo quy định của pháp luật về khiếu nại.

      Theo Khoản 1 Điều 7 Luật khiếu nại 2011 về trình tự khiếu nại như sau:

      Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

      Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

      Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn