Đã có Quyết định ban hành Danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 22/05/2023

Xin hỏi: Những tài liệu, giấy tờ thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo nào thuộc danh mục bí mật nhà nước?- Câu hỏi của chị Điệp (Thái Bình).

    • Đã có Quyết định ban hành Danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo?

      Ngày 19/05/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 531/QĐ-TTg năm 2023 về Danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Cụ thể:

      (1) Danh mục bí mật nhà nước độ Tối mật thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo bao gồm:

      - Đề thi chính thức, đề thi dự bị, đáp án đề thi chính thức, đáp án đề thi dự bị của các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi chọn học sinh giỏi quốc gia, thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế và khu vực chưa công khai.

      - Thông tin về người thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Cơ yếu được cử đi đào tạo trong nước và nước ngoài cần được bảo vệ theo yêu cầu của bên cử đi đào tạo.

      (2) Danh mục bí mật nhà nước độ Mật thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo bao gồm:

      - Văn bản có nội dung phản ánh, nhận xét, đánh giá về thực trạng tư tưởng, đời sống của nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, sinh viên có tác động tiêu cực đến chính trị, an ninh, đối ngoại, trật tự an toàn xã hội.

      - Thông tin về địa điểm ra đề thi và in sao đề thi; thông tin về nhân sự của Hội đồng/Ban ra đề thi và in sao đề thi;

      Phương án vận chuyển, bảo quản, lưu trữ và bảo vệ đề thi của các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia và kỳ thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế, khu vực chưa công khai.

      Lưu ý: Quyết định 531/QĐ-TTg năm 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 19/5/2023 và thay thế Quyết định 809/QĐ-TTg năm 2020.

      Đã có Quyết định ban hành Danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo? (Hình từ Internet)

      Điều chỉnh độ mật của bí mật nhà nước được quy định như thế nào?

      Tại Điều 21 Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước 2018 có quy định về điều chỉnh độ mật như sau:

      - Điều chỉnh độ mật là việc tăng độ mật, giảm độ mật đã được xác định của bí mật nhà nước.

      - Việc điều chỉnh độ mật phải căn cứ vào danh mục bí mật nhà nước.

      - Người đứng đầu cơ quan, tổ chức xác định độ mật của bí mật nhà nước có thẩm quyền quyết định điều chỉnh độ mật của bí mật nhà nước.

      - Bí mật nhà nước sau khi điều chỉnh độ mật phải được đóng dấu, có văn bản hoặc hình thức khác xác định việc tăng độ mật, giảm độ mật.

      - Chậm nhất 15 ngày kể từ ngày điều chỉnh độ mật, cơ quan, tổ chức đã điều chỉnh độ mật phải thông báo bằng văn bản đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

      Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khi nhận được thông báo về việc điều chỉnh độ mật có trách nhiệm đóng dấu, có văn bản hoặc hình thức khác xác định việc điều chỉnh độ mật tương ứng đối với bí mật nhà nước thuộc phạm vi quản lý.

      Trong trường hợp nào phải tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước?

      Tại khoản 1 Điều 23 Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước 2018 có quy định về tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước như sau:

      Tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước

      1. Tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước trong trường hợp sau đây:

      a) Khi không cần thiết phải lưu giữ và việc tiêu hủy không gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc;

      b) Nếu không tiêu hủy ngay sẽ gây nguy hại cho lợi ích quốc gia, dân tộc.

      2. Việc tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

      a) Không để bị lộ, bị mất bí mật nhà nước;

      b) Quá trình tiêu hủy phải tác động vào tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước làm thay đổi hình dạng, tính năng, tác dụng;

      c) Tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước sau khi tiêu hủy không thể phục hồi hình dạng, tính năng, tác dụng, nội dung.

      3. Thẩm quyền tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước được quy định như sau:

      a) Người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 11 của Luật này có thẩm quyền quyết định tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước;

      ...

      Như vậy, việc tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước sẽ được thực hiện trong trường hợp:

      - Khi không cần thiết phải lưu giữ và việc tiêu hủy không gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc;

      - Nếu không tiêu hủy ngay sẽ gây nguy hại cho lợi ích quốc gia, dân tộc.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn