Đơn vị nào chi trả trợ cấp thôi việc cho viên chức qua nhiều nơi công tác?

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 15/03/2019

Từ tháng 03/2002 đến tháng 07/2015 tôi làm việc tại đơn vị A (Cơ quan A tôi làm việc có dưới 10 lao động nên từ ngày 01/01/2015 tôi mới tham gia bảo hiểm thất nghiệp). Tôi làm việc tại đơn vị B từ tháng 08/2015 đến 02/2019 (theo Quyết định điều động), đơn vị B và A cùng cơ quan chủ quản. Vì lý do đơn vị B chuẩn bị giải thể theo QĐ của cấp có thẩm quyền, tôi xin thuyên chuyên công tác về đơn vị C (đã được tiếp nhận). Vậy cho hỏi tôi có được hưởng trợ cấp thôi việc thời gian làm việc tại đơn vị A và B.

Ghi chú:

- Tất cả đơn vị A, B, C đều là đơn vị sự nghiệp Nhà nước cùng Tỉnh.

- Đơn vị A và B cùng một cơ quan chủ quản. đơn vị C khác cơ quan chủ quản.

- Tôi làm việc theo hợp đồng lao động từ tháng 03/2002 đến 08/2014. Tháng 09/2014 tôi được tuyển dụng vào viên chức tại đơn vị A (cơ quan chủ quản QĐ tuyển dụng viên chức).

- Tôi có quyết định cho thôi việc tại đơn vị B và tôi ký hợp đồng làm việc mới với đơn vị C (hợp đồng làm việc viên chức).

Câu hỏi: Vậy tôi có được hưởng trợ cấp thôi việc khoảng thời gian từ 01/03/2002 đến tháng 31/12/2014 (12 năm 10 tháng). Nếu được thì đơn vị nào chi trả? Nếu không được thì nguyên nhân tại sao không được?

Hỏi thêm: Trường hợp đơn vị B không chi hỗ trợ thôi việc vì tôi thuyên chuyển công tác. Giả sử tôi làm việc được 1 năm, vì lý do cá nhân tôi không tham gia tiếp tục công việc, tôi xin thôi việc. Vậy đơn vị nào chi trả trợ cấp thôi việc thời gian từ 03/2002 đến 12/2014 cho tôi. Khi tôi ký hợp đồng đơn vị C thì đơn vị họ đã đóng bảo hiểm thất nghiệp kể từ ngày ký HĐ làm việc. Thời điểm tôi nghĩ việc đơn vị B đã giải thể thì tôi phải làm như thế nào?

    • 1/ Theo quy định tại Khoản 1 Điều 38 Nghị định 29/2012/NĐ-CP thì viên chức được giải quyết thôi việc trong các trường hợp sau:

      a) Viên chức có đơn tự nguyện xin thôi việc được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản;

      b) Viên chức đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định tại Khoản 4 và Khoản 5 Điều 29 Luật viên chức;

      c) Đơn vị sự nghiệp công lập đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức khi có một trong các trường hợp quy định tại Điểm c, Điểm d và Điểm đ Khoản 1 Điều 29 Luật viên chức.

      (1. Đơn vị sự nghiệp công lập được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức trong các trường hợp sau:

      ...

      c) Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn bị ốm đau đã điều trị 12 tháng liên tục, viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc xác định thời hạn bị ốm đau đã điều trị 06 tháng liên tục mà khả năng làm việc chưa hồi phục. Khi sức khỏe của viên chức bình phục thì được xem xét để ký kết tiếp hợp đồng làm việc;

      d) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của Chính phủ làm cho đơn vị sự nghiệp công lập buộc phải thu hẹp quy mô, khiến vị trí việc làm mà viên chức đang đảm nhận không còn;

      đ) Khi đơn vị sự nghiệp công lập chấm dứt hoạt động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.)

      Và theo hướng dẫn tại Điều 14, Điều 15 Thông tư 15/2012/TT-BNV thì khi viên chức chuyển công tác đến cơ quan, đơn vị khác thì phải chấm dứt hợp đồng làm việc với đơn vị sự nghiệp công lập đang làm việc. Việc chấm dứt hợp đồng làm việc phải được thể hiện bằng văn bản có xác nhận của viên chức và người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cơ quan có thẩm quyền ký kết hợp đồng làm việc. Văn bản chấm dứt hợp đồng làm việc được lập thành hai bản, mỗi bên giữ một bản.

      Khi viên chức chuyển đến đơn vị sự nghiệp công lập mới, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng viên chức phải ký kết hợp đồng làm việc với viên chức và thực hiện chế độ tiền lương phù hợp trên cơ sở căn cứ vào năng lực, trình độ đào tạo, quá trình công tác, diễn biến tiền lương và thời gian đóng BHXH của viên chức.

      2/ Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 15 Điều 2 Nghị định 161/2018/NĐ-CP thì viên chức sẽ không được giải quyết chế độ thôi việc nếu như được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đồng ý chuyển đến làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khác trong hệ thống chính trị.

      Căn cứ theo quy định trên và đối chiếu với trường hợp của Anh/Chị thì nếu Anh/Chị đã nộp đơn xin thôi việc và được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản (ở đây là đơn vị B). Như vậy, Anh/Chị thuộc trường hợp được giải quyết thôi việc theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 38 Nghị định 29/2012/NĐ-CP nêu trên.

      Tức là thời điểm Anh/Chị nghỉ việc, cơ quan phải trả trợ cấp thôi việc cho Anh/Chị là cơ quan mà Anh/Chị đã ký hợp đồng làm việc (có thể là đơn vị B vì sau này Anh/Chị được điều động sang từ đơn vị A hoặc cơ quan chủ quản của cả hai đơn vị này; Anh/Chị cần xem lại hợp đồng của Anh/Chị ký với đơn vị nào thì đơn vị đó phải chi trả).

      Còn nếu trường hợp đơn vị B chấm dứt hoạt động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền (Điểm đ Khoản 1 Điều 29 Luật viên chức) và đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với Anh/Chị thì trường hợp này Anh/Chị cũng được giải quyết thôi việc. Và cơ quan chi trả trợ cấp thôi việc khi Anh/Chị nghỉ việc cũng là cơ quan mà Anh/Chị đã ký hợp đồng làm việc.

      Trường hợp Anh/Chị được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đồng ý chuyển đến làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khác trong hệ thống chính trị thì không giải quyết chế độ thôi việc. Tức là đơn vị B và C phải trong hệ thống chính trị và Anh/Chị được đơn vị B thuyên chuyển đến đơn vị C thì Anh/Chị mới không được giải quyết chế độ thôi việc. Mặt khác thì đơn vị B hoặc cơ quan chủ quản của đơn vị B phải chi trả trợ cấp thôi việc cho Anh/Chị.

      Ban biên tập thông tin đến Anh/Chị!

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn