Khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam có thuộc đối tượng cảnh vệ không?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 05/09/2022

Khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam có thuộc đối tượng cảnh vệ không? Những hành vi bị nghiêm cấm trong công tác cảnh vệ gồm những gì?

Xin được giải đáp.

    • 1. Khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam có thuộc đối tượng cảnh vệ không?

      Căn cứ Điều 10 Luật Cảnh vệ 2017 quy định đối tượng cảnh vệ như sau:

      1. Người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bao gồm:

      a) Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam;

      b) Chủ tịch nước;

      c) Chủ tịch Quốc hội;

      d) Thủ tướng Chính phủ;

      đ) Nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ;

      e) Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam;

      g) Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam;

      h) Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ.

      2. Khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam bao gồm:

      a) Người đứng đầu Nhà nước, cơ quan lập pháp, Chính phủ;

      b) Cấp phó của người đứng đầu Nhà nước, cơ quan lập pháp, Chính phủ, trên cơ sở có đi có lại;

      c) Khách mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ;

      d) Khách mời khác theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, trên cơ sở có đi có lại.

      3. Khu vực trọng yếu bao gồm:

      a) Khu vực làm việc của Trung ương Đảng;

      b) Khu vực làm việc của Chủ tịch nước;

      c) Khu vực làm việc của Quốc hội;

      d) Khu vực làm việc của Chính phủ;

      đ) Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Bảo tàng Hồ Chí Minh; Khu di tích Phủ Chủ tịch; Quảng trường Ba Đình; Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại đường Bắc Sơn, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội;

      e) Bộ trưởng Bộ Công an quy định phạm vi cảnh vệ khu vực trọng yếu tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này.

      4. Sự kiện đặc biệt quan trọng bao gồm:

      a) Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng;

      b) Hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng;

      c) Kỳ họp của Quốc hội;

      d) Phiên họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ;

      đ) Hội nghị, lễ hội do Trung ương Đảng, Nhà nước tổ chức; đại hội đại biểu toàn quốc do tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương tổ chức; hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam có đối tượng cảnh vệ quy định tại khoản 1, điểm a và điểm b khoản 2 Điều này tham dự hoặc chủ trì hội nghị.

      5. Căn cứ tình hình an ninh chính trị trong từng giai đoạn, khi xét thấy cần thiết, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung đối tượng cảnh vệ và việc áp dụng biện pháp, chế độ cảnh vệ phù hợp với quy định tại các điều 11, 12, 13 và 14 của Luật này.

      Như vậy, khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam thuộc các trường hợp trên thuộc đối tượng cảnh vệ.

      2. Những hành vi bị nghiêm cấm trong công tác cảnh vệ gồm những gì?

      Theo Điều 9 Luật Cảnh vệ 2017 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong công tác cảnh vệ như sau:

      1. Sử dụng vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc sinh học, chất độc hóa học, chất phóng xạ, công cụ hỗ trợ hoặc yếu tố khác gây nguy hiểm, đe dọa xâm hại đến sự an toàn của đối tượng cảnh vệ.

      2. Chống lại hoặc cản trở hoạt động của lực lượng Cảnh vệ và cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tham gia, phối hợp thực hiện công tác cảnh vệ.

      3. Gây mất an ninh, trật tự; tụ tập đông người trái pháp luật tại khu vực, mục tiêu cảnh vệ.

      4. Làm lộ thông tin bí mật liên quan đến đối tượng cảnh vệ, công tác cảnh vệ.

      5. Làm giả, chiếm đoạt, mua bán, sử dụng trái phép, hủy hoại, làm sai lệch giấy tờ, tài liệu liên quan đến công tác cảnh vệ.

      6. Lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ hoặc lợi dụng việc tham gia, phối hợp thực hiện công tác cảnh vệ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

      7. Phân biệt đối xử về giới trong công tác cảnh vệ.

      8. Hành vi ảnh hưởng xấu đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của đối tượng cảnh vệ; của cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ khi thực hiện nhiệm vụ; của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tham gia, phối hợp thực hiện công tác cảnh vệ.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn